Hỗ trợ cần trúng nhu cầu của nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau khi giảm giá trong lĩnh vực chứng khoán để tiếp sức cho thị trường do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính vừa dự thảo phương án giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, ý kiến từ thị trường không mấy hào hứng với nội dung này.
Nhà đầu tư cần miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thuế giao dịch chứng khoán 0,1%/giá trị giao dịch từng lần và thuế 5% đánh vào phần cổ tức nhận được bằng tiền. Nhà đầu tư cần miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thuế giao dịch chứng khoán 0,1%/giá trị giao dịch từng lần và thuế 5% đánh vào phần cổ tức nhận được bằng tiền.

Thực hiện Chỉ thị số 11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trên cơ sở Tờ trình 42/TTr-UBCK của UBCK đề xuất miễn, giảm mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo quy định hiện hành, việc thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán đang được thực hiện tại Thông tư 272/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.

Tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm 50% mức phí, lệ phí mà các tổ chức và cá nhân đang nộp. Mức giảm này không áp dụng với 2 khoản gồm: mức thu lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán; phí giám sát hoạt động chứng khoán. Ðiều này có nghĩa, 19 khoản phí, lệ phí như quy định tại Thông tư 272/2016/TT-BTC sẽ được giảm 50%.

Ðây là nỗ lực tiếp theo của UBCK, Bộ Tài chính sau khi khẩn trương áp dụng cơ chế miễn, giảm giá dịch vụ chứng khoán như quy định tại Thông tư 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi Thông tư 127/2018/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, ý kiến từ phía nhà đầu tư, chuyên gia, cũng như công ty chứng khoán cho rằng, giải pháp mới trên của Bộ Tài chính sẽ không hỗ trợ đáng kể thị trường, nhất là đối tượng cần hỗ trợ nhất hiện nay là nhà đầu tư cá nhân với tư cách là lực lượng chiếm số đông và đang chịu nhiều khó khăn, rủi ro.

Sở dĩ như vậy là bởi các loại phí và lệ phí trong danh mục dự kiến giảm đều áp dụng cho các tổ chức là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán…

Trong khi đó, nhiều loại phí đến nay gần như nhà quản lý không thu được vì không phát sinh nhu cầu giao dịch từ thị trường như lệ phí cấp giấy phép hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; lệ phí cấp giấy chứng nhận hoạt động tăng, giảm vốn của quỹ thành viên…

“Tương tự như miễn, giảm giá dịch vụ chứng khoán đã áp dụng, giải pháp giảm 50% phí, lệ phí của Bộ Tài chính sẽ không tạo ra sự hỗ trợ đáng kể cho thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

Hai giải pháp có tính hỗ trợ mạnh và trực diện mà nhà đầu tư, cũng như các thành viên thị trường chờ đợi nhất đến nay vẫn chưa được đề xuất triển khai hoặc áp dụng mức giảm không đáng kể.

Thứ nhất là miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập đầu tư chứng khoán là 0,1%/giá trị giao dịch từng lần. Thứ hai, phí giao dịch chứng khoán 0,03%/giá trị giao dịch từng lần hiện giảm không đáng kể…”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết nói.

Một lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nhìn nhận, thay vì hỗ trợ hình thức, cơ quan quản lý nên tập trung đề xuất Chính phủ, Quốc hội miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thuế giao dịch chứng khoán 0,1%/giá trị giao dịch từng lần và thuế 5% đánh vào phần cổ tức nhận được bằng tiền.

Việc miễn, giảm 2 loại thuế này sẽ kích thích nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán.

Ðó là chưa kể, thuế đánh vào phần cổ tức nhận được bằng tiền vừa cao, vừa bất hợp lý, cụ thể là “thuế chồng thuế” (khoản tiền mà doanh nghiệp chi trả cổ tức lấy từ lợi nhuận sau thuế - đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng khi cổ đông - chủ sở hữu doanh nghiệp nhận cổ tức lại phải nộp thuế thu nhập cá nhân).

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục