Hạt nhựa tái sinh: Quân bài chiến lược của Nhựa Đông Á (DAG)

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Không những giúp DAG tự chủ nguồn nguyên liệu, hạt nhựa tái sinh còn giúp tập đoàn giành lấy các cơ hội từ EVFTA.

Hạt nhựa tái sinh: Quân bài chiến lược của Nhựa Đông Á (DAG)

CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) đã và đang khẳng định vị thế dẫn đầu của một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng, phục vụ trang trí nội, ngoại thất và quảng cáo. Các sản phẩm của DAG đa dạng, bao gồm: thanh Profile uPVC, Sàn nhựa SPC, Tấm Danpla PP, Tấm Formex, Tấm Mica, Tấm trần thả, Tấm PVSmart.

Trong đó, các dòng cửa nhựa lõi thép cao cấp uPVC và tấm trần thả đã góp phần làm nên thương hiệu và vị thế cho DAG. Còn tấm nhựa gỗ PVSmart như là minh chứng cho thấy tinh thần tiên phong trong sản xuất vật liệu mới, thân thiện với môi trường của đại gia ngành nhựa này.

Không chỉ mạnh về các sản phẩm nhựa nội, ngoại thất, sản phẩm hạt nhựa của DAG từ nhiều năm nay đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế với sức tiêu thụ tăng trưởng ấn tượng qua từng năm.

DAG tiếp tục đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất hạt nhựa. Đây là một động thái nhằm đón đầu nhu cầu hạt nhựa của thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ với cổ đông khi đó, ban lãnh đạo DAG cho biết việc Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa phế liệu từ ngày 1/1/2018 đã mở ra cơ hội phát triển cho hoạt động xuất khẩu hạt nhựa nguyên liệu cho tập đoàn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải nhập hạt nhựa để làm nguyên liệu thay vì dùng phế liệu nhựa như trước.

Tầm nhìn của ban lãnh đạo DAG đã được hiện thực hoá thông qua những con số ấn tượng. Cụ thể, chỉ trong Quý 1/2018, kim ngạch xuất khẩu hạt nhựa của DAG đã bằng cả năm 2017. Còn trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hạt nhựa của DAG tăng gấp 3 lần năm 2018.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, sản phẩm hạt nhựa của DAG cũng được các doanh nghiệp trong nước đón nhận với mức tiêu thụ tốt ngay cả trong đại dịch Covid-19.

Một số thông kê cho thấy nguyên liệu sản xuất sản phẩm nhựa trong nước hiện chỉ đáp ứng khoảng 15 - 35% nhu cầu, còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,6 triệu tấn nguyên liệu nhựa với tổng kim ngạch 3,3 tỷ USD.

Trong đó, Hàn Quốc là nước cung cấp nguyên liệu nhựa lớn nhất cho Việt Nam với 459.410 tấn, tương đương 612,53 triệu USD; chiếm 17,7% tổng lượng và 18,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu nhựa của cả nước.

Do đó, đây là cơ hội vô cùng lớn nếu các doanh nghiệp có thể đầu tư sản xuất nhựa từ sản phẩm nhựa tái chế thay cho việc nhập khẩu. Ngoài ra, với chủ trương hạn chế tiến tới việc cấm nhập khẩu nhựa phế liệu để tái chế từ sau ngày 31/12/2024 của Chính phủ Việt Nam, thị trường vẫn còn rộng mở cho các doanh nghiệp muốn rót vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Đối với DAG, việc tự sản xuất hạt nhựa tái sinh không chỉ giúp tập đoàn chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, mà còn là chìa khoá để tập đoàn nắm bắt cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, Mỹ.

Liên minh Châu Âu (EU) trong những năm gần đây đang trở thành bạn hàng xuất khẩu nhựa lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng trưởng. Có hiệu lực kể từ tháng 8/2020, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho xuất khẩu các mặt hàng nhựa trong nhiều năm tới.

Nhu cầu lớn, được hưởng lợi từ thuế quan, cơ hội để xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường EU đang rộng mở đối với các doanh nghiệp nhựa trong nước.

Tuy nhiên, các quy định về nguồn gốc xuất xứ của EVFTA vẫn là rào cản đối với nhiều doanh nghiệp. Bởi, như đã đề cập, nguồn nguyên liệu hạt nhựa tại Việt Nam vẫn chủ yếu là nhập khẩu.

Đối với một doanh nghiệp tự chủ được hạt nhựa đầu vào như DAG, đây hẳn là một cơ hội lớn để vươn lên dẫn đầu, chiếm lấy các cơ hội từ thị trường 508 triệu dân.

H.Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục