Điểm đáng chú ý trong phương án cổ phần hóa Hapro là Nhà nước không nắm cổ phần hậu cổ phần hóa. Phần lớn cổ phần (65% vốn điều lệ) của Hapro được bán cho nhà đầu tư chiến lược, 34,51% vốn đưa ra IPO, còn lại lượng nhỏ bán cho cán bộ công nhân viên.
Tình hình kinh doanh của Hapro trước cổ phần hóa không ổn định. Nếu như năm 2015, Hapro đạt 3.353 tỷ đồng doanh thu, 9,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thì lần lượt các chỉ tiêu này trong năm 2016 là 3.412 tỷ đồng và 40,9 tỷ đồng. Năm 2017, hoạt động kinh doanh của Hapro đi xuống khi đạt 3.260 tỷ đồng doanh thu, 13,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Năm 2018, Hapro đặt mục tiêu đạt 4.000 tỷ đồng doanh thu, 63,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đáng chú ý, kế hoạch chia cổ tức mà Hapro đặt ra sau cổ phần hóa rất bèo: Năm 2018 là 2%, 2019 là 3% và 2020 là 3,5%.
Được biết, giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa của Hapro tại ngày 30/6/2016 đạt hơn 4.043 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.155 tỷ đồng. Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất, sau cổ phần hóa giảm còn 114 cơ sở nhà đất, trong đó tại Hà Nội có 96 địa điểm.