Bản công bố thông tin của Hapro cho thấy, lợi nhuận của doanh nghiệp thấp, chỉ đạt hơn chục tỷ đồng trong năm 2017. Vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 2.200 tỷ đồng. Vậy tại sao Vinamco lại quyết định trở thành cổ đông chiến lược của Hapro?
Chúng tôi đánh giá rằng, cơ hội nằm ở chính những điểm yếu của Hapro. Trong những năm gần đây, mặc dù Hapro có những chỉ số tài chính chưa đẹp tính trên số vốn hiện có, nhưng tiềm năng phát triển trong dài hạn lại rất lớn. Sau khi nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng, những giá trị cốt lõi và tiềm năng của doanh nghiệp thực sự ấn tượng và phù hợp với định hướng phát triển của Vinamco trong thời gian dài.
Cụ thể, đối với Vinamco, chúng tôi được giao nhiệm vụ hình thành và phát triển mảng xuất nhập khẩu với mục tiêu phải đưa những sản phẩm thương hiệu Việt ra thị trường thế giới. Như vậy, khi trở thành cổ đông chiến lược của Hapro, chúng tôi có thể kết nối những điều kiện sẵn có của Vinamco cùng với những giá trị bổ sung của Hapro để tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Hapro hiện có thế mạnh về xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều, gạo, hàng dược liệu (quế, hồi...) và thực phẩm đóng hộp. Ngoài xuất nhập khẩu, Hapro hiện còn có nhiều sản phẩm đặc trưng có sức cạnh tranh, có tiềm năng phát triển và xuất khẩu lớn như Gốm Chu Đậu.
Những sản phẩm này nếu có thể tối đa hóa tiềm năng tại thị trường trong nước và quốc tế, sẽ đem lại những lợi ích vô cùng lớn cho doanh nghiệp. Như các bạn đã biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2017 đã vượt qua cả kim ngạch xuất khẩu dầu thô.
Có ý kiến cho rằng, Vinamco mua 65% cổ phần của Hapro vì Tổng công ty này có quyền khai thác nhiều khu “đất vàng” tại Hà Nội. Bà nghĩ sao về những ý kiến này?
Theo chúng tôi, điều đó đang được nhìn nhận ở góc độ thiếu tích cực. Bởi vì với một doanh nghiệp hoạt động mạnh trên thị trường bán lẻ như Hapro thì danh mục các khu đất luôn được chú trọng, song những khu đất này đều là đất thuê có kỳ hạn và có mục đích sử dụng rõ ràng.
Thêm vào đó, Chính phủ đã có những quy định rất minh bạch và rõ ràng trong lĩnh vực đất đai sau khi cổ phần hóa. Đó là doanh nghiệp phải sử dụng theo quy hoạch đã được phê duyệt, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hiện nay, nếu doanh nghiệp có muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, riêng việc hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách cũng là một bài toán không hề dễ với các nhà đầu tư.
Một điểm nữa mà nếu đọc kỹ bản công bố thông tin của Hapro sẽ thấy, các khu đất mà doanh nghiệp đang có quyền sử dụng có diện tích nhỏ, chủ yếu để phục vụ cho các ngành nghề kinh doanh lõi của doanh nghiệp. Trước khi quyết định cổ phần hoá Hapro, Thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định thu hồi 61 khu đất của Hapro, trong đó có những khu đất lớn như ở Long Biên có diện tích khoảng 23 ha.
Vậy sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa, với tư cách cổ đông chiến lược, Công ty sẽ làm gì với Hapro?
Như đã nói, chúng tôi quan tâm nhất tới Hapro ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, nên chúng tôi sẽ xúc tiến làm việc với các đối tác nước ngoài, ví dụ như Nhật Bản, chúng tôi có quan hệ đặc biệt tốt với các đối tác này. Chúng tôi sẽ thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh như Gốm Chu Đậu vào thị trường này và ra nhiều thị trường khác.
Tiếp đó, chúng tôi sẽ xúc tiến để đưa nhiều hơn các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như sản phẩm nông nghiệp ra thị trường quốc tế nhằm tối đa hóa tiềm năng của một doanh nghiệp có truyền thống và thế mạnh rất lớn như Hapro.
Trong năm 2018, Hapro sẽ đưa lô hàng đầu tiên khoảng 500 container hàng hóa sang hơn 20 thị trường các nước trên thế giới. Đây là tín hiệu khả quan đối với lĩnh vực xuất khẩu của Hapro trong năm nay.
Song song với đó, chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa chuỗi bán lẻ trong nước dựa trên những lợi thế của Hapro, vì khi kết hợp với chuỗi bán lẻ Intimex hiện nay, chúng tôi sẽ có những lợi thế nhất định trong mảng thị trường này, ví dụ như sẽ có nhiều điểm bán lẻ hơn, phân phối được số lượng hàng hóa lớn hơn…
- Ngày 30/3 tới, Hapro dự kiến chào bán 34,5% cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm 12.800 đồng/CP, 65% vốn chào bán cho cổ đông chiến lược, còn lại bán cho người lao động trong Công ty.
- Sau cổ phần hóa, Hapro đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm độc quyền, phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty. Đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty.
- Xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu gồm gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê và thủ công mỹ nghệ.
- Thành lập văn phòng đại diện tại các khu vực cửa ngõ như Trung Đông, Angola, khu vực Đông Nam Á, khu vực Đông Âu cũ… để xâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới.
- Tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều gắn với thương hiệu Hapro phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước, đặc biệt là hoa quả tươi, gạo, nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, công nghệ phẩm, thủy hải sản chế biến, công nghiệp tiêu dùng…
- Trên nền tảng giao dịch với trên 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, đẩy mạnh cao nhất để xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu…