Hành trình về tương lai

(ĐTCK) Hơn 100 doanh nghiệp đã tham gia chương trình Lợi thế cạnh tranh do Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) triển khai kết hợp cùng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, với sự tài trợ của Chính phủ Thụy Sỹ và Úc.
Hành trình về tương lai

Dự án có thời gian thực hiện 4 năm, đến nay đã qua gần ¾ chặng đường, giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiến những bước dài trong tư duy và thực thi phát triển bền vững.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng, phát triển bền vững chính là con đường tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp suy nghĩ rằng, phát triển bền vững là hoạt động xa xỉ, doanh nghiệp phải dư dật mới có thể lồng ghép vào chiến lược của mình, thì nay, cách nghĩ này ngày càng trở nên lạc hậu.

Các công ty tiên phong về phát triển bền vững hiểu rõ rằng, đây là phương thức quản trị, cũng như công cụ quản lý giúp công việc kinh doanh trở nên hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ý thức này đa phần mới hiện hữu tại các doanh nghiệp đã sớm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ở phần còn lại, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiến lược phát triển bền vững mới ở bước đầu tiên, thậm chí còn nhiều vấn đề bị hiểu sai.

Chẳng hạn, có những doanh nghiệp lầm tưởng rằng, chỉ cần thực hiện các hoạt động thiện nguyện là phát triển bền vững.

Trên bình diện quốc gia, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh đến 2020, tầm nhìn 2050, trong đó định hướng phát triển bền vững là một trong những mục tiêu hàng đầu, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Nhiều bộ, ngành đã ban hành kế hoạch hành động riêng, trong đó ngành tài chính, kế hoạch đặt ra là xây dựng, hoàn thiện chính sách tài chính để phát triển ngành tài chính xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Ở phạm vi cụ thể trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất đã được thực hiện trên quy mô toàn thị trường từ năm 2012.

Năm 2019 là năm thứ 7, các doanh nghiệp niêm yết sẽ được đánh giá về chất lượng công bố thông tin, cũng như cách thức doanh nghiệp thực hiện hoạt động phát triển bền vững.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra tháng 11 tới, nhằm tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết nói riêng, doanh nghiệp đại chúng nói chung quan tâm và quan tâm sát sao hơn đến phát triển bền vững như một cách để đi bền trong kinh doanh và góp sức cùng cộng đồng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã định.

Trên thực tế, không cần phải doanh nghiệp lớn, nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý thức triển khai các hoạt động phát triển bền vững, lợi ích cũng thấy rất rõ.

Một nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho Heineken Việt Nam thực hiện các giải pháp để có thể lập được báo cáo Phát triển bền vững đáp ứng tiêu chuẩn GRI và kết quả là, không chỉ đạt được tấm vé thông hành để Heneiken tiếp tục duy trì hợp đồng trong dài hạn, doanh nghiệp này còn có thêm 3 tập đoàn đa quốc gia khác đặt vấn đề ký hợp đồng hợp tác trong năm tới.

Lý do là doanh nghiệp đã đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện mà các tập đoàn quốc tế đang tìm kiếm và đòi hỏi.

Nhiều tập đoàn quốc tế khi chọn đối tác, yếu tố doanh nghiệp có phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững như môi trường, chăm lo cho người lao động… luôn được xem xét hàng đầu, tiếp đến mới là các yếu tố khác như năng lực sản xuất, thời gian đáp ứng đơn hàng, giá cả…

Trên thị trường tài chính, trên 4.000 quỹ đầu tư lớn nhất đã cùng ký cam kết chỉ chọn lựa rót vốn vào các doanh nghiệp toàn cầu nếu doanh nghiệp đạt được các tiêu chí đánh giá về phát triển bền vững mà thôi.

Con đường và lợi ích của việc tuân thủ tiêu chuẩn phát triển bền vững đang ngày càng rõ ràng, quan trọng là cần sự quyết tâm của các doanh nghiệp Việt Nam chọn lựa con đường đi về tương lai bền vững.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục