Thế nhưng, ngành ngân hàng lại có thể giương buồm đón làn gió tín phong: 18 tháng qua là quãng thời gian tuyệt vời nhất cho các ngân hàng trên toàn thế giới, ít nhất là kể từ năm 2007, bởi lãi suất gia tăng đã thúc đẩy lợi nhuận trong môi trường tín dụng ôn hòa.
Giương buồm đón gió
Điểm sáng mới xuất phát từ việc lãi suất tăng 500 điểm cơ bản kể từ quý II/2022 tại Mỹ, kéo theo một loạt nền kinh tế phát triển khác. Cùng với đó là sự cải thiện về biên lãi ròng vốn đã được mong chờ từ lâu, giúp thúc đẩy lợi nhuận của toàn ngành lên 280 tỷ USD và tăng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên 12% trong năm 2022, dự kiến đạt 13% vào năm 2023, trong khi từ năm 2010 chỉ duy trì trung bình 9%/năm.
Trong năm qua, ngành ngân hàng tiếp tục duy trì hành trình liên tục cải thiện chi phí: Tỷ lệ chi phí trên lợi nhuận giảm từ 59% năm 2012 xuống khoảng 52% năm 2022 (một phần nhờ biến động biên lợi nhuận). Ngoài ra, cũng có thể thấy được xu hướng này ở tỷ lệ chi phí trên tài sản (giảm từ 1,6 lần xuống 1,5 lần).
ROE tăng trưởng nhưng không đi kèm với bất ổn trong 18 tháng trở lại đây. Điều đó góp phần vào sự kiện một số ngân hàng lớn tại Mỹ bị phá sản hay được giải cứu, và việc một trong những ngân hàng lâu đời nhất, lớn nhất Thụy Sỹ được chính phủ thuê bên thứ ba tiếp quản.
Những đơn vị đạt thành tích tốt nhất trong những năm qua, bao gồm cả công ty tài chính công nghệ (Fintech) và tổ chức kinh doanh tiền ảo (crypto), cũng gặp phải khó khăn trong bối cảnh đó.
Kết quả kinh doanh có sự khác biệt lớn ngay trong nội bộ các nhóm. Mặc dù một số tổ chức tài chính tại nhiều thị trường đã đạt ROE tốt, tăng trưởng lợi nhuận cao và hệ số giá trên lợi nhuận trên mức trung bình, nhưng cũng có nhiều bên bị tụt hậu. Bên cạnh hơn 40% đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán có ROE trên 14%, song cũng gần 35% có ROE dưới 8%.
Các đơn vị quản lý gia sản và tài sản thường có biên lợi nhuận khoảng 30%, trong số đó hơn 1/3 có ROE trên 14%, trong khi hơn 40% có ROE dưới 8%. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng cũng có sự khác biệt lớn, cho thấy sự ảnh hưởng của năng lực vận hành xuất sắc và những quyết định liên quan đến chi phí, hiệu suất, giữ chân khách hàng và các vấn đề khác đối với kết quả kinh doanh có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Những đơn vị đạt thành tích tốt nhất thường sử dụng bảng cân đối kế toán một cách hiệu quả, lấy khách hàng làm trung tâm và thường dẫn đầu về ứng dụng công nghệ.
Sự khác biệt theo khu vực địa lý trong những năm trước tiếp tục gia tăng. Những ngân hàng trong khu vực “vành đai trăng lưỡi liềm” quanh Ấn Độ Dương, từ Singapore đến Ấn Độ, Dubai và một phần Đông Phi, chiếm quá nửa những nhóm đạt kết quả tốt nhất thế giới. Tại những khu vực địa lý khác, nhiều ngân hàng nhờ có kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian qua đã có khả năng đầu tư trở lại. Tuy nhiên, tại châu Âu và Mỹ, cũng như Trung Quốc và Nga, các ngân hàng nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giảm chi phí vốn.
Có một khía cạnh của ngành ngân hàng vẫn chưa thay đổi, đó là hệ số giá trên giá trị sổ sách, vẫn là 0,9 lần trong năm 2022. Chỉ số này đã đi ngang kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và khá chênh lệch so với nền kinh tế, phản ánh các thị trường vốn vẫn kỳ vọng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sẽ duy trì ở dưới mức chi phí huy động. Tuy hệ số giá trên giá trị sổ sách phản ánh một số thách thức dài hạn mang tính hệ thống mà ngành đang phải đối mặt, nhưng cũng chỉ ra 1 mặt tốt tiềm ẩn: Hệ số này tăng 0,1 lần sẽ giúp giá trị gia tăng của ngành tăng thêm hơn 1.000 tỷ USD.
4 xu thế…
Dù kinh tế vĩ mô diễn tiến như thế nào, tất cả các tổ chức tài chính cũng sẽ phải điều chỉnh và thích ứng với môi trường đầy biến động của cuộc Đại chuyển đổi trong ngành ngân hàng, đặc biệt là về xu thế công nghệ, pháp lý, rủi ro và quy mô.
Hướng tới tương lai, triển vọng của các tổ chức tài chính nhiều khả năng sẽ được định hình bởi 4 xu thế toàn cầu.
Thứ nhất, môi trường kinh tế vĩ mô đã có nhiều biến động lớn, lãi suất và lạm phát tăng cao tại nhiều nơi trên thế giới, đồng thời tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng có khả năng chậm lại. Cùng với nhiều sự kiện bất thường đột nhiên có khả năng phát sinh, có vẻ như chúng ta đang đứng trước sự khởi đầu của một kỷ nguyên kinh tế vĩ mô mới.
Thứ hai, công nghệ không ngừng tăng tốc và khách hàng ngày cảm thấy thoải mái, thậm chí còn đòi hỏi trải nghiệm đến từ công nghệ. Đặc biệt, sự xuất hiện của Gen AI có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện, giúp tăng năng suất từ 3-5% và giảm chi phí hoạt động từ 200-300 tỷ USD, theo ước tính của McKinsey.
Thứ ba, chính phủ các nước đang đẩy mạnh kiểm soát cả về chiều rộng lẫn chiều sâu các tổ chức tài chính phi truyền thống và trung gian tài chính, khi mà hệ thống kinh tế vĩ mô phải chịu áp lực lớn cùng sự xuất hiện của công nghệ mới, rủi ro mới và các đối tượng mới tham gia vào cuộc chơi. Chẳng hạn, một số đề xuất mới được công bố về “tàn cuộc” cho Basel III có thể phát sinh yêu cầu vốn lớn hơn cho các ngân hàng cỡ lớn và trung.
Thứ tư, rủi ro hệ thống đang thay đổi về bản chất, trong khi căng thẳng địa chính trị ngày một gia tăng, thúc đẩy việc ban hành các quy định giới hạn thương mại và đầu tư trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, những diễn biến tương lai của cuộc Đại chuyển đổi trong ngành ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng và bằng chứng của cuộc đại chuyển đổi này đã dần hé lộ. Tại Mỹ, 75% của mức tăng ròng các quỹ tài chính đến từ ngoại bảng, con số này tại châu Âu là khoảng 55%. Trong khi đó, nợ cá nhân tăng mạnh nhất trong năm 2022, ở mức 29%, đến từ cho vay trực tiếp. Các giao dịch như thanh toán và đầu tư cũng có nhiều biến động ngoài bảng cân đối kế toán: Chẳng hạn, thanh toán trực tuyến cá nhân từ các đơn vị chuyên doanh tăng 50% trong giai đoạn 2015-2022.
Môi trường lãi suất biến động sẽ ảnh hưởng đến cuộc Đại chuyển đổi, nhưng cụ thể ra sao vẫn chưa ngã ngũ. Ngành ngân hàng có thể sẽ phải trải qua giai đoạn bước ngoặt của kinh tế vĩ mô trong thời gian dài, như kịch bản lãi suất cao hơn và lâu hơn, và chu kỳ giá tài sản tăng cao bất thường. Tình trạng đó sẽ làm thay đổi sự hấp dẫn của một số mô hình chỉ áp dụng cho môi trường cũ, trong khi xu thế cơ cấu vẫn được duy trì, đặc biệt là về công nghệ. Về cơ bản, câu hỏi đặt ra là sản phẩm ngân hàng cung cấp có thể đáp ứng được người tiêu dùng đến đâu trong bối cảnh rủi ro ngày càng gia tăng và khách hàng tìm kiếm cơ hội tiền gửi cho lãi suất cao?
Dù kinh tế vĩ mô diễn tiến như thế nào, tất cả các tổ chức tài chính cũng sẽ phải điều chỉnh và thích ứng với môi trường đầy biến động của cuộc Đại chuyển đổi trong ngành ngân hàng, đặc biệt là về xu thế công nghệ, pháp lý, rủi ro và quy mô. Theo đó, hoạt động sáp nhập và mua lại có thể sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn.
… Và 5 ưu tiên
Nhằm hỗ trợ các tổ chức tài chính đang cân nhắc thay đổi, 5 ưu tiên được vạch ra và cũng không loại trừ lẫn nhau. Cụ thể:
Một là, khai thác công nghệ và AI nhằm thúc đẩy năng suất, sử dụng nhân tài hiệu quả hơn, cải thiện khả năng cung cấp sản phẩm - dịch vụ. Ý tưởng này bao gồm tận dụng cơ hội từ AI và phân tích nâng cao để thực hiện tự động hóa quy trình, nền tảng, hệ sinh thái; vận hành như một công ty công nghệ để nhân rộng cung cấp sản phẩm - dịch vụ; xây dựng một kiến trúc dạng đám mây theo định hướng nền tảng; nâng cao năng lực nhằm khắc phục rủi ro công nghệ. Khả năng phát triển và triển khai công nghệ sẽ tạo sự khác biệt cho ngân hàng.
Hai là, mở rộng và đa dạng hóa bảng cân đối kế toán. Mở rộng bao gồm tích cực sử dụng các mô hình hợp vốn, khởi tạo để phân phối, bảng cân đối kế toán của bên thứ ba (như trong các ứng dụng ngân hàng dưới dạng dịch vụ) và quay trở lại tập trung vào tiền gửi. Đa dạng hóa có nhiều mức độ theo nhiều giai đoạn, đưa khái niệm này lên một tầm cao mới và có thể bao gồm tách riêng các nghiệp vụ tiếp xúc khách hàng với các hoạt động ngân hàng dưới dạng dịch vụ, ứng dụng công nghệ nhằm tái cơ cấu căn bản chi phí.
Ba là, mở rộng quy mô hoặc rút khỏi hoạt động giao dịch. Quy mô là chìa khóa để thành công trong một thị trường hoặc của một sản phẩm, nhưng có thể theo nhiều hướng: Các tổ chức có thể tìm một ngách để đào sâu, hoặc tìm cách đáp ứng toàn thị trường. Ngân hàng có thể quyết liệt theo đuổi lợi ích từ quy mô cho mảng giao dịch, như thông qua M&A (là một điểm tạo khác biệt lớn giữa ngân hàng truyền thống và chuyên doanh) hay nhờ đối tác để rút khỏi thị trường.
Bốn là, nâng cấp phân phối để tiếp cận khách hàng, tư vấn trực tiếp và gián tiếp thông qua các hoạt động tài chính nhúng hay sàn thương mại điện tử, ứng dụng kỹ thuật số và AI vào hoạt động tư vấn. Chẳng hạn, một cách tiếp cận tổng hợp trên đa kênh sẽ có thể giúp khai thác triệt để được tự động hóa và tương tác với con người. Quyết định chiến lược phân phối qua bên thứ ba như qua đối tác để tạo cơ hội tài chính nhúng hay mô hình kinh doanh qua nền tảng, có thể tạo ra cơ hội đáp ứng nhu cầu khách hàng, với những sản phẩm nằm ngoài mô hình kinh doanh của tổ chức.
Năm là, thích ứng với những rủi ro luôn biến động. Các tổ chức tài chính ở khắp mọi nơi sẽ cần chủ động trước môi trường rủi ro luôn biến động. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, đó là lạm phát, viễn cảnh tăng trưởng không rõ ràng và những khó khăn tiềm ẩn về tín dụng trong một số lĩnh vực như rủi ro về bất động sản thương mại. Ngoài ra, còn có rủi ro đi kèm với thay đổi về yêu cầu pháp lý, không gian mạng và gian lận, ứng dụng phân tích nâng cao và AI trong hệ thống ngân hàng. Để có thể kiểm soát được những rủi ro này, ngân hàng có thể cân nhắc đẩy mạnh chức năng quản trị rủi ro để tạo được sự khác biệt.
Chẳng hạn, trong thảo luận với khách hàng, thiết kế sản phẩm và truyền thông, có thể nhấn mạnh sức bền bỉ của ngân hàng với những thành tích đã đạt được trong quản lý rủi ro hệ thống và thanh khoản. Ngoài ra, có thể củng cố thêm tuyến đầu và lồng ghép rủi ro vào các hoạt động hàng ngày, bao gồm đầu tư vào các hoạt động quản trị rủi ro tận dụng sự phát triển của Gen AI. Những biến động đi kèm trong nền kinh tế sẽ tiếp diễn theo cách không ai ngờ tới, đòi hỏi các ngân hàng phải cảnh giác hơn bao giờ hết.
Tất cả những ưu tiên này đều có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch vốn của các tổ chức tài chính, bao gồm cả huy động vốn hiệu quả hơn và lợi nhuận trên vốn tăng cao hơn. Trong quá trình đánh giá lại hoạt động kinh doanh và xác định lợi thế cạnh tranh tương đối của các mảng kinh doanh dựa trên bảng cân đối kế toán, giao dịch hay phân phối, các tổ chức tài chính sẽ cần bảo đảm có đủ tiềm lực để tạo ra lợi nhuận hợp lý. Ngoài ra, cũng cần duy trì điều đó trong một môi trường kinh tế vĩ mô và địa chính trị khác, khi mà AI và các công nghệ khác có thể làm thay đổi cục diện, đồng thời đối thủ cạnh tranh cũng ngày càng đông đảo hơn về chủng loại. Nhân rộng quy mô hay chuyên môn hóa sẽ là yếu tố quyết định, cũng giống như với đa dạng hóa nhằm tạo ra giá trị.
Lợi ích tối thiểu từ quy mô nhiều khả năng cũng sẽ thay đổi, đặc biệt là khi công nghệ và dữ liệu là động lực của quy mô. Những năm sắp tới sẽ có nhiều biến động hơn những năm vừa qua và khoảng cách giữa những đơn vị đi đầu thị trường với những đối tượng tụt hậu sẽ ngày một gia tăng. Giờ là thời khắc cần bắt đầu thay đổi lộ trình phía trước.