Hành động vì phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đang sở hữu một cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức cao về trách nhiệm phát triển bền vững và tích cực hành động, cho dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn về tài lực, nhân lực.
Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ chương trình hành động cụ thể nhằm giảm phát thải Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ chương trình hành động cụ thể nhằm giảm phát thải

Nông nghiệp công nghệ cao đón đầu thị trường tín chỉ các-bon

Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, từ năm 2016, Lộc Trời bắt đầu nghiên cứu chương trình trồng lúa các-bon thấp và đến năm 2019 đưa vào áp dụng. Trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022, Công ty đứng đầu thế giới về sản xuất xanh, phát thải các-bon thấp.

“Năm 2030, Việt Nam dự báo tạo ra 120 triệu tấn khí thải các-bon, trong đó trồng lúa chiếm một nửa lượng khí thải. Vai trò của Lộc Trời cũng như người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long là phải hành động, vì chúng tôi biết rằng mình sẽ đóng góp rất nhiều vào phát thải khí nhà kính của Việt Nam”, ông Thuận cho biết.

Chiến lược hành động của Lộc Trời dựa trên 3 hoạt động chính: cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Tuy nhiên, theo ông Thuận, điểm mấu chốt để thực thi hiệu quả là các chương trình của Lộc Trời phải đảm bảo người nông dân là đối tượng đầu tiên nhận được các lợi ích tài chính khi tham gia cùng Công ty.

Tới nay, CEO Lộc Trời tiết lộ, doanh nghiệp đủ sức cung ứng 10 triệu tín chỉ các-bon ra thị trường mỗi năm. Với mức giá ước tính 5 USD/tín chỉ, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mang về 50 triệu USD từ doanh thu bán tín chỉ các-bon.

Cùng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) cho biết, từ năm 2020, Công ty tiến hành bước phát triển bền vững đầu tiên với việc thực hiện chuyển đổi số. Mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp của TTC AgriS mang đến lợi ích chung các bên liên quan như cho phép người nông dân sử dụng ứng dụng, xác định các thời điểm trong quá trình trồng trọt, tiếp cận các nghiên cứu nông học…

Một nguồn phát thải lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đến từ canh tác chưa chính xác. Theo đó, ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tính toán chính xác, từ đó loại bỏ lượng sản phẩm phân bón/hoá chất/nước dư thừa trong quá trình sản xuất, không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà phần nào giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.

Thực tế, ngành nông nghiệp là lĩnh vực cung cấp nguyên vật liệu đầu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm ngành sản xuất - chế biến thực phẩm và các chuỗi giá trị dịch vụ khác. Theo đó, doanh nghiệp trong các nhóm ngành này luôn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, canh tác theo xu hướng bền vững và tập trung vào người nông dân.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam cho biết, theo tính toán của Nestle, nguồn cung ứng chiếm hơn 70% lượng phát thải của Tập đoàn trên toàn cầu.

“Chúng tôi đã kết nối với 21.000 hộ nông dân, hỗ trợ họ tái canh hơn 63 triệu cây cà phê tại Tây Nguyên, cũng như tiến hành thử nghiệm đo đếm kiểm đếm để canh tác với phát thải thấp… Chúng tôi ứng dụng công nghệ số để tính toán được nguồn đầu vào - đầu ra hiệu quả, giúp người nông dân thấy được hiệu quả khi thay đổi tập quán canh tác”, bà Thương chia sẻ.

Từ năm 2020, chiến lược phát triển bền vững của Nestlé được xác định không chỉ dừng lại ở mục tiêu và hành động “bền vững” mà phải hướng tới cách tiếp cận toàn diện hướng đến “tái tạo” và “tái sinh” cho hệ sinh thái tự nhiên.

Trong khi đó, theo ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), đầu tư cho phát triển bền vững chắc chắn tốn nhiều chi phí ban đầu. Nhưng vấn đề không phải tốn kinh phí của 1 năm, 2 năm mà đó là định hướng, trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp.

“Nếu không đầu tư bây giờ thì có thể 5 - 7 năm sau khi nói đến Vinamilk sẽ là hình ảnh rất khác”, ông Liêm nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm thực thi chiến lược phát triển bền vững, lãnh đạo Vinamilk cho biết, tại mảng chăn nuôi, Công ty có hệ thống hơn 14 trang trại trải khắp cả nước, lượng chất thải từ đàn bò rất lớn. Toàn bộ hệ thống nước thải và phân thải được dùng hệ thống tuần hoàn biogas để tạo ra năng lượng, kết hợp cùng với hệ thống điện mặt trời. Các trang trại cũng dành diện tích khá lớn, ví dụ trang trại tại Tây Ninh rộng 680 ha, thì 500 ha là diện tích để trồng cây xanh và thức ăn cho bò. Trồng cây cỏ chính là hoạt động giúp trung hoà các-bon của hoạt động chăn nuôi.

Bất động sản, sản xuất, bán lẻ… không đứng ngoài

Ngành bất động sản chiếm 40% lượng phát thải CO2 trên toàn cầu và việc đạt mục tiêu Net Zero trong lĩnh vực này đối diện nhiều thách thức. Tuy nhiên, các thành viên thị trường duy trì niềm tin vào cơ hội thực thi Net Zero khi ngày càng nhiều công ty cam kết chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.

“Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, Keppel cam kết góp phần giảm phát thải các-bon trong môi trường xây dựng. Chúng tôi đang triển khai mô hình SUR dựa trên việc cải tiến, trang bị thêm và kéo dài tuổi thọ của các tòa nhà thương mại hiện hữu, để đem đến một giải pháp thay thế xanh hơn, ít tốn kém hơn và nhanh chóng hơn so với xây dựng các công trình mới”, ông Wong Wai Foo, Giám đốc Bộ phận tái tạo đô thị bền vững Tập đoàn Keppel tại Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Lê Thị Hồng Na, Cố vấn chiến lược phát triển bền vững Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Khang cho biết, với vai trò nhà phát triển công trình xanh tại Việt Nam, Công ty áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh, các sản phẩm bất động sản được đăng ký và thực hiện theo các chứng nhận công trình xanh quốc tế…

Ở lĩnh vực sản xuất - tái chế nhựa, đại diện các doanh nghiệp đã lên tiếng về việc chuyển đổi xanh, xoá bỏ “ác cảm” về rác thải nhựa và khai thác hiệu quả loại tài nguyên này, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ, nếu như trước đây, sản phẩm chai nhựa chỉ có một vòng đời thì hiện tại đã tăng lên gấp 50 lần.

“Trong khi nhiều người đang nghĩ tái chế là trách nhiệm thì thực tế, đó là cơ hội, một thị trường. Trên thế giới, hiện rác thải đã trở thành tài nguyên, tuy nhiên vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên này như thế nào còn phụ thuộc vào chúng ta. Tại Việt Nam, đã có các hiệp hội quy tụ các đơn vị tái chế trong nước như tái chế bao bì, kim loại, nhựa… tạo nên sự thay đổi mới mẻ của ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam. Điều này mang tới kỳ vọng về một môi trường xanh sạch hơn”, ông Lê Anh cho biết.

Từ phía nhà sản xuất lớn ngành nhựa, ông Nguyễn Văn Thức - Phó tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ, là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với sản lượng 100.000 tấn mỗi năm, không dễ dàng để Công ty giảm thiểu tác động tới môi trường một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, xác định mục tiêu phát triển bền vững, Nhựa Tiền Phong đã thực hiện một số giải pháp, đảm bảo sự xanh - sạch trong sản xuất, tập trung vào 4 nhóm giải pháp, bao gồm áp dụng hệ thống quản lý và tuân thủ, công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng và quản lý rác thải.

Là “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ, AEON Việt Nam thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh với những sáng kiến như cho thuê túi để giảm thiểu sử dụng nilon.

Tại hội thảo, đại diện nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia đồng quan điểm, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững là chặng đường dài không thể đi một mình, tất cả các bên phải đi cùng nhau, kể cả nhà sản xuất, phân phối, nhà quản lý.., nhất là người tiêu dùng đồng hành cùng các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm. Theo đó, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp có ý thức cao về phát triển bền vững có thể tạo giá trị lan toả rộng khắp, xây dựng nền tảng cho việc hiện thực hoá các cam kết chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Trịnh Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục