Hàng xuất khẩu - vũ khí mới của Trump khi đối đầu Trung Quốc

Cùng với việc đánh thuế hàng hóa, ông Trump đang tăng cường các biện pháp hạn chế hàng Mỹ xuất đi Trung Quốc.
Trump đang sử dụng chính hàng hóa Mỹ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại. Ảnh: Reuters. Trump đang sử dụng chính hàng hóa Mỹ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại. Ảnh: Reuters.

Trước đây, Tổng thống Trump vẫn tập trung tấn công vào hàng hóa nhập khẩu trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông vừa tung thêm vũ khí mới - hàng hóa Mỹ xuất khẩu.

Washington đang tìm cách ngăn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ cốt lõi bằng cách hạn chế bán linh kiện quan trọng cho Huawei. Đồng thời, Mỹ cũng đang cân nhắc đưa ít nhất 5 công ty Trung Quốc vào danh sách đen như đã làm với Huawei.

Những động thái này là một phần trong nỗ lực của Mỹ để mở rộng và củng cố việc kiểm soát xuất khẩu. Suốt hàng chục năm qua, Washington cũng hạn chế bán các công nghệ liên quan đến quốc phòng cho các nước đối thủ. Đây là một quá trình khiến các doanh nghiệp lo ngại cuộc chiến thương mại của Trump sẽ phát triển thành một cuộc xung đột công nghệ lớn hơn với Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ có thể tự làm nền kinh tế trong nước bị tổn thương. 

Chính quyền Trump đang muốn mở rộng hơn danh mục sản phẩm công nghệ hạn chế xuất khẩu như trí tuệ nhân tạo, robot và in 3D. Đây là những sản phẩm công nghệ được Mỹ coi là thiết yếu để cạnh tranh. Bên cạnh đó, các quy định mới có thể giới hạn số lượng kỹ sư, nhà khoa học nước ngoài, các doanh nghiệp được thuê trong các lĩnh vực được xem là "nhạy cảm" để xuất khẩu.

Trong các cuộc thảo luận kín từ năm ngoái, giới chức Mỹ và các hãng công nghệ đã bàn về việc làm thế nào để cập nhật và đánh giá lại các mặt hàng trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ. Danh sách mới dự kiến được công bố trong vài tuần tới.

Những điều này đều tương đồng với quan điểm của Trump: An ninh kinh tế là an ninh quốc gia. Đến nay, Mỹ đang sử dụng tư tưởng này để bảo vệ cho việc đánh thuế với thép, nhôm và đe dọa tăng thuế nhập khẩu với ôtô, phụ tùng từ EU, Nhật Bản. Washington đã sử dụng các công cụ kinh tế để sàng lọc chặt chẽ an ninh quốc gia với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này và các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm đạt các mục tiêu chính sách khác như bảo vệ chuỗi cung ứng...

Hôm qua, Trump nói Huawei "rất nguy hiểm" ngay cả khi ông từng đề cập công ty này như một phần của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Chính quyền Trump cũng vừa đề xuất tăng thuế với hàng hóa từ các quốc gia được phát hiện làm mất giá tiền tệ.

Bloomberg đánh giá, hiện một số doanh nghiệp Mỹ sợ kiểm soát xuất khẩu nhiều hơn là tăng thuế. General Electric (GE), Google và Microsoft đã lo lắng rằng họ có thể vấp phải rào cản trong cạnh tranh tại các thị trường sinh lời tốt.

Trong một tờ trình gửi Bộ Thương mại, Microsoft cảnh báo, việc hạn chế xuất khẩu đã được đề xuất có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập với các hợp tác nghiên cứu quốc tế hỗ trợ cho sự phát triển của nhiều công ty công nghệ Mỹ. Một quy định mới có thể cản trở lợi ích của chính nước này.

"Trí tuệ nhân tạo là một khái niệm rất rộng", GE nêu trong cảnh báo. Bởi vậy, các quy định kiểm soát xuất khẩu quá rộng có thể quét sạch nhiều thứ như hình ảnh y khoa (medical imaging) – công nghệ đang được dùng để chẩn đoán bệnh tật.

Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật được đề xuất bởi Nhà Trắng khi yêu cầu Bộ Thương mại cập nhật danh sách hạn chế xuất khẩu bao gồm các "công nghệ mới nổi" và "công nghệ nền tảng". Các vấn đề này đang được đưa ra lấy ý kiến và chính quyền có thể công bố các quy định mới về "công nghệ mới nổi" vào hè này, còn quy định về  "các công nghệ nền tảng" vào cuối năm nay.

Hệ thống kiểm soát xuất khẩu Mỹ nhiều năm qua đã nhắm vào các sản phẩm như viễn thông, thiết bị bảo mật, laser hay tàu vũ trụ... 14 danh mục về "công nghệ mới nổi" cũng được Bộ Thương mại Mỹ đề xuất cuối năm ngoái gồm các lĩnh vực như công nghệ sinh học, hệ thống giám sát tiên tiến, robot...

Theo một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận, chính quyền Mỹ đang thu hẹp trọng tâm vào 3 lĩnh vực công nghệ mới nổi gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các công nghệ cảm biến như in 3D.

Chuyên gia giám sát việc hạn chế xuất khẩu dưới thời Clinton, Bill Reinsch cho rằng, thách thức lớn là đạt được sự cân bằng để bảo vệ an ninh quốc gia mà không kìm hãm sự đổi mới.

Theo Reinsch, các biện pháp chống lại Huawei cho thấy sức mạnh của hệ thống hạn chế xuất khẩu Mỹ nhưng nó cũng minh họa cho sự khó xử của các nhà hoạch định chính sách. Từ lâu, Huawei đã lọt vào tầm ngắm của tình báo Mỹ và vào danh sách theo dõi vì bị nghi vi phạm các biện pháp kiểm soát hạn chế xuất khẩu của Mỹ khi bán các linh kiện hạn chế cho Iran.

Hàng xuất khẩu - vũ khí mới của Trump khi đối đầu Trung Quốc ảnh 1

 Tỷ trọng doanh thu mà Huawei đóng góp cho các nhà cung ứng tại Mỹ. Ảnh:Bloomberg.

Các quy định mới đã tác động đáng kể đến cổ phiếu và hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp cho Huawei tại Mỹ như Qualcomm và nhiều nhà sản xuất chip khác. Tuy nhiên, đây có thể mới chỉ là khởi đầu.

Theo một báo cáo vừa công bố của các nhà nghiên cứu tại Information Technology & Innovation Foundation, các biện pháp hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ Mỹ có thể gây thiệt hại 56 tỷ USD và khiến mất 74.000 việc làm trong 5 năm tới. Họ cũng cảnh báo, nỗ lực đưa các chuỗi cung ứng về nước của Trump có nguy cơ làm giảm sự năng động của nền kinh tế mà ông đang thúc đẩy.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục