Hãng xe BYD đẩy mạnh vào các thị trường mới nổi trong bối cảnh chính sách không chắc chắn ở Mỹ, châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong cuộc đua với Tesla trên thị trường ô tô điện toàn cầu, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động ra nước ngoài bất chấp các rào cản đối với thị trường Mỹ ngày càng gia tăng.
Hãng xe BYD đẩy mạnh vào các thị trường mới nổi trong bối cảnh chính sách không chắc chắn ở Mỹ, châu Âu

BYD đã thử nghiệm ở một số quốc gia và đạt được một số thành công về doanh số ngay lập tức, thường chỉ một năm sau khi thâm nhập thị trường.

Do sự không chắc chắn về chính sách xung quanh việc xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, BYD đang tìm cách tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài bằng cách chuyển sản xuất sang các khu vực được xem là thân thiện hơn. Hiện tại, BYD đã có các nhà máy ở Thái Lan, Brazil, Indonesia, Hungary và Uzbekistan.

Nhà phân tích nghiên cứu Xiao Feng của CLSA cho biết: “Họ đang nhắm mục tiêu vào các quốc gia không có ngành công nghiệp ô tô nội địa mạnh, là nơi họ có ít khả năng phải đối mặt với những trở ngại chính trị hoặc những trở ngại từ góc độ chính sách”.

Chính quyền Biden tháng trước cho biết đã bắt đầu điều tra xem liệu ô tô do Trung Quốc sản xuất có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không và nâng cao khả năng hạn chế các phương tiện này. Mỹ đã cố gắng hỗ trợ việc áp dụng ô tô điện trong nước, nhưng mức độ thâm nhập doanh số bán hàng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

BYD đang tiến nhanh vào các thị trường nước ngoài, bắt đầu từ Thái Lan, là thị trường mà BYD dự kiến sẽ có nhà máy đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Theo dữ liệu từ Marklines, BYD đã vượt qua Toyota để giành vị trí dẫn đầu về doanh số bán xe du lịch tại Thái Lan vào tháng 1, mặc dù chỉ một năm trước đó không có doanh số bán hàng nào ở đây.

Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy ở Thái Lan có thể sẽ phục vụ phần còn lại của Đông Nam Á. EY dự đoán, thị trường ô tô điện trong khu vực sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân với doanh thu ít nhất 80 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới.

BYD đã khẳng định mình là thương hiệu xe điện bán chạy nhất ở Đông Nam Á. Dữ liệu từ Counterpoint Research cho thấy, BYD đã chiếm hơn 1/3 thị trường Đông Nam Á vào năm ngoái sau khi hầu như không bán được ô tô nào ở khu vực này trước đó.

Cạnh tranh với Tesla

BYD đã bán được 70.000 ô tô điện ở Đông Nam Á vào năm ngoái với 35% thị phần và vượt lên trên Tesla.

Một trong những lợi thế của BYD so với Tesla là số lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường đại chúng cũng như sự kết hợp giữa xe hybrid và xe chạy bằng pin. Tesla độc quyền sản xuất những chiếc xe chỉ chạy bằng pin với mức giá cao hơn. Việc có các lựa chọn kết hợp sẽ mang lại lợi ích cho các thị trường mới nổi, phù hợp với những nơi có cơ sở hạ tầng sạc pin vẫn còn hạn chế.

Theo nhà phân tích ô tô Alvin Liu của Canalys, Đông Nam Á có thể sẽ vẫn là thị trường nước ngoài mạnh nhất của BYD trong thời gian ngắn khi công ty theo đuổi mục tiêu tăng gấp đôi lượng xuất khẩu ô tô từ năm ngoái lên 500.000 chiếc vào năm 2024.

“Thị trường xe điện ở Đông Nam Á vẫn đang ở giai đoạn đầu và thói quen của người tiêu dùng cần được trau dồi… hiệu quả về chi phí đặc biệt quan trọng với các mẫu Atto 3 và Dolphin của BYD được bán trong khu vực với mức giá rất cạnh tranh”, nhà phân tích Alvin Liu cho biết.

BYD cũng đang đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện ở Indonesia vào năm 2024. Năm nay, BYD cũng có kế hoạch tăng đáng kể số lượng cửa hàng tại Singapore và Philippines.

Ngược lại với mô hình đại lý trực tiếp của Tesla, BYD thường dựa vào các nhà phân phối và đối tác địa phương để bán hàng ở các quốc gia ngoài Trung Quốc. Ví dụ, vào cuối năm 2022, BYD đã ký thỏa thuận phân phối với Sime Darby Motors tại Malaysia.

Kế hoạch cho châu Mỹ

Trong khi sự giám sát của Mỹ đối với sự thống trị của xe điện của Trung Quốc ngày càng gia tăng thì BYD đang mở rộng sang Brazil và để mắt đến Mexico.

Giám đốc điều hành châu Mỹ của BYD, Stella Li cho biết, công ty đang xem xét kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mexico, là nơi họ đã bắt đầu bán nhiều ô tô điện hơn.

“Nếu BYD xây dựng một nhà máy ở nước này, điều đó có thể biến nơi đây trở thành đầu cầu của châu Mỹ”, Bill Russo, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tư vấn đầu tư Automobileity cho biết.

Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn là thị trường lớn nhất của BYD. Trong số hơn 3 triệu phương tiện chở khách sử dụng năng lượng mới mà công ty sản xuất năm ngoái, chỉ có hơn 242.000 chiếc được xuất khẩu ra nước ngoài.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của BYD và các hãng xe điện khác của Trung Quốc khiến các nhà sản xuất ô tô khác lo lắng.

Vào tháng 2, Liên minh Sản xuất Mỹ (AAM) đã đưa ra một báo cáo cảnh báo rằng, hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể là “sự kiện ở mức độ tuyệt chủng đối với ngành ô tô của Mỹ” và kêu gọi Washington sớm chặn hàng nhập khẩu từ Mexico.

Châu Âu và các thị trường khác

Sự thúc đẩy toàn cầu chuyển sang sử dụng xe điện đã mang lại cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc những cơ hội thị trường tiềm năng, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng trong nước đang chậm lại.

Liz Lee, Phó giám đốc của Counterpoint Research cho biết: “BYD cần tìm kiếm nhiều cơ hội hơn ở các khu vực khác của nước ngoài, nơi mức độ thâm nhập của xe điện sẽ tăng nhanh cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng để tăng trưởng bền vững lâu dài, không mất thị phần trước các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu”.

BYD đã công bố vào cuối năm ngoái rằng sẽ bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Hungary và vào tháng 1 cho biết thêm rằng việc sản xuất sẽ bắt đầu sau ba năm nữa. Tin tức này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Liên minh châu Âu công bố một cuộc điều tra về vai trò của trợ cấp đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất.

BYD cũng đang bán ô tô ở Úc, Trung Đông và châu Phi, đồng thời vào tháng 1 đã công bố triển khai sản xuất tại Uzbekistan.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục