Hàng trăm nội dung mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị đi vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất; các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp; các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất; các quy định về tài chính đất đai và các quy định nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước về sử dụng đất đai.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thông tin tại buổi họp báo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thông tin tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, nếu liệt kê chi tiết sẽ có hàng trăm nội dung mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị được đưa vào áp dụng trong cuộc sống nhưng tựu trung có thể gộp thành 5 nhóm vấn đề mới:

Nhóm thứ nhất là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Nhóm này có rất nhiều quy định, có nội dung được thảo luận nhiều như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm thứ hai là các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp. Trong đó điều 79 (thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) được thiết kế thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này đã được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ điều 54 của Hiến pháp về việc chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết.

Nhóm thứ ba là các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ví dụ các nội dung như: Đất sử dụng đa mục đích, giới hạn khi chuyển mục đích sử dụng đất đã thu hẹp lại trường hợp phải xin phép, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp...

Nhóm thứ tư là các quy định về tài chính đất đai. Trong đó đã tách bạch vấn đề định giá đất, bảng giá đất, ổn định tiền thuê đất, doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm

Nhóm thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước về sử dụng đất đai. Trong đó đã yêu cầu cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Toàn cảnh buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV

Nói về các công việc sau thông qua Luật, vị đại biểu cho biết, khi trình dự thảo Luật, Chính phủ cũng trình dự thảo Nghị định ban hành kèm theo.

Thống kê sơ bộ, Luật Đất đai (sửa đổi) có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, do đó, theo đại biểu, Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định để hướng dẫn thi hành 65 điều khoản này.

Ông Hiếu đề nghị Chính phủ cần sớm có kế hoạch triển khai thi hành Luật, trong đó xác định việc soạn thảo, ban hành sớm các Nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống.

Có ý kiến hỏi về ảnh hưởng của Luật Đất đai (sửa đổi) đối với phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) đang được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là điểm mới trong nhóm các quy định về tiếp cận đất đai để phục vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội.

“Từ kinh nghiệm về tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố Hà Nội đã có kiến nghị trong sửa đổi Luật Đất đai cần quy định dành quỹ đất thuận lợi cho tái định cư các dự án thu hồi đất phục vụ cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương. Từ đó, trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã có một số chế định nhằm luật hóa các kiến nghị này”, ông Hiếu thông tin.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

"Những nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân", Tổng thư ký Quốc hội khẳng định.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục