Theo chương trình dự kiến Kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khoá XV (từ ngày 15 đến ngày 18/1/2024), Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào sáng 18/1.
Đến thời điểm này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự nhất trí cao về việc thông qua dự án Luật, sau khi đã trải qua 4 kỳ họp Quốc hội và hơn 12 triệu lượt đóng góp ý kiến của nhân dân.
Tuy nhiên, một số ĐBQH nhắn gửi đến cơ quan soạn thảo những lưu ý quan trọng trước khi dự án Luật chính thức được thông qua.
Xử lý tình trạng thông báo thu hồi đất "treo lơ lửng"
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua nghiên cứu dự thảo trình tại kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải quyết được nhiều vấn đề lớn có ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 6, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích các bên trong quan hệ đất đai.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần điều chỉnh, ví dụ thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Khoản 5, Điều 85 dự thảo Luật). Theo đó, dự thảo quy định, hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất.
Trong khi đó, khoản 2, Điều 105 dự thảo Luật lại quy định: Trong thời gian sau khi có thông báo về việc thu hồi đất, tài sản gắn liền với đất được tạo lập không được bồi thường khi thu hồi đất.
Theo đại biểu, sau thời hạn 12 tháng từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất mà chưa thu hồi đất thì quyền của người sử dụng đất cần được quy định cụ thể.
“Luật hiện hành chưa quy định vấn đề này nên thực tế xảy ra vướng mắc, có nhiều dự án, cơ quan chức năng ra thông báo thu hồi đất nhưng việc bồi thường, di dời tái định cư chậm, kéo dài qua nhiều năm. Thông báo thu hồi đất "treo lơ lửng" khiến người dân không được xây dựng, tách thửa... ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi”, bà Sương cho hay.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định hệ quả pháp lý sau hiệu lực thông báo thu hồi đất để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.
Cần xác định quy trình thu hồi và đấu thầu đất thật rõ ràng
Đánh giá cao các cơ quan liên quan đã có sự tiếp thu, lắng nghe để điều chỉnh dự thảo luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhận định, dự thảo luật đã có nhiều quy định tiến bộ, cụ thể hơn.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khoá XV |
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, để hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi, cần điều chỉnh một số nội dung, trong đó phải xác định quy trình thu hồi và đấu thầu đất thật rõ ràng, mới có thể từng bước khắc phục tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Cụ thể, theo đại biểu, Nhà nước thay mặt nhân dân thực hiện quyền sở hữu đối với đất đai. Muốn thực hiện quyền sở hữu, cần thu hồi đất trước mới tiến hành đấu giá, nhưng hiện nay đang quy định ngược.
Điều 126 của dự thảo Luật quy định: “Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu.
Nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà nhà đầu tư không ứng đủ vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy kết quả trúng đấu thầu”.
"Tôi cho rằng, quy định như vậy sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện, bởi khi tiến hành đấu giá, người dân biết được khu vực đó có dự án và khiếu kiện vì mong muốn giá chênh lệnh về khoản đầu tư sau này, chứ không phải địa tô chênh lệch mà người có đất đang được hưởng", ông Huân nói.
Tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu, nếu không đầu tư thì không được hưởng chênh lệch, nhưng nhà đầu tư đã đấu thầu trúng giá đất, khi đó Nhà nước mới tiến hành thu hồi đất sẽ dẫn tới khiếu kiện, vì thời điểm thu hồi, giá đất trên thị trường biến động, người sử dụng đất không sẵn sàng bàn giao đất, dẫn đến không thu hồi được.
Theo vị đại biểu, để khơi thông nguồn lực đất đai, phát huy được nguồn lực này ở khía cạnh là tư liệu sản xuất và chỗ ở thay vì thiên về khía cạnh tài sản như hiện nay, quá trình sửa luật cần bảo vệ được nền tảng lý luận đã được Hiến định và được cụ thể hóa, áp dụng vào thực tế cuộc sống. Đó mới chính là thành công của việc sửa luật.
"Nếu chỉ bảo vệ được nền tảng lý luận mà không áp dụng được vào thực tế, nghĩa là kinh tế thị trường không vận hành được là luật chưa hoàn thiện; còn nếu nghiêng về kinh tế thị trường, xa rời nền tảng sẽ không thành công. Vì vậy, hai tiêu chí phải song hành, vừa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, nhưng không được xa rời lý luận nền tảng", ông Huân phân tích.
Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn sau khi thông qua Luật đất đai
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, ông kỳ vọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là hai luật có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) - ẢNh: M.M |
Vị đại biểu lưu ý, nếu tại Kỳ họp này, Quốc hội thông qua hai dự án luật nói trên thì Chính phủ cần kịp thời ban hành nghị định để hướng dẫn chi tiết. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn cụ thể từng lĩnh vực để khi Luật đã có hiệu lực thi hành thì có thể tổ chức thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Cần hạn chế tình trạng như thời gian qua, một số dự án luật được Quốc hội thông qua, nhưng văn bản hướng dẫn chi tiết thì lại chưa rõ ràng.
"Khi các luật đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ đã có nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết rồi thì các địa phương, cơ sở, bộ, ban ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong tổ chức tuyên truyền vận động để triển khai các luật một cách hiệu quả tới người dân", ông Hoà nói.