Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.200 tàu không hoạt động khai thác thủy sản; trong đó có 555 phương tiện đánh bắt xa bờ (trên 15m), chiếm 47,4% tàu cá đánh bắt xa bờ toàn tỉnh.
Nguyên nhân tàu cá nằm bờ do giá xăng dầu và chi phí vật tư đầu vào tăng mạnh.
Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn là một trong những cảng cá lớn của tỉnh Thanh Hóa, với khoảng 200 tàu công suất từ 800CV đến 1.000CV thường xuyên ra vào. Thời điểm này các năm về trước, tại cảng cá Lạch Hới tấp nập tàu thuyền ra vào, mang theo những khoang tàu đầy ắp cá tôm, cùng niềm vui của ngư dân những ngày đầu năm.
Tuy nhiên, năm nay do giá dầu tăng cao, mỗi chuyến vươn khơi không đủ chi phí tiền dầu, thậm chí phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng, nên các chủ tàu đều phải nằm bờ, chờ giá dầu bình ổn trở lại mới có kế hoạch vươn khơi, bám biển.
Không còn cảnh những đoàn tàu nối đuôi nhau cập bến; trên bến dưới thuyền cảnh kẻ bán, người mua tấp nập, nhộn nhịp, cảng cá Lạch Hới những ngày này trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Những con tàu gỗ được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nay nằm phơi mình bên bờ biển không biết bao giờ mới được căng buồm vươn khơi. Tàu nằm bờ, nhưng mọi chi phí về nhân công, ngân hàng, bảo dưỡng… chủ tàu vẫn phải chi trả thường xuyên, nên đây được xem là thời điểm hết sức khó khăn của ngư dân.
Trở về bờ sau hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, ông Trần Văn Phụng, 63 tuổi, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn chủ tàu TH 92555 TS không dấu được vẻ lo lắng hiện hữu trên khuôn mặt sạm đen vì gió biển. Chuyến ra khơi lần này, tàu của ông tiêu tốn hết hơn 6.000 lít dầu, với giá dầu hiện tại gần 23.000 đồng/lít, tương đương với 120 triệu đồng. Trong khi đó, số hải sản đánh bắt về bán được khoảng 100 triệu đồng; trừ mọi chi phí ông Phụng phải bù lỗ hơn 100 triệu đồng cho chuyến đi này.
"Để đóng con tàu này, gia đình tôi phải vay 6 tỷ ngân hàng, hơn 4 năm vươn khơi, mới trả được được khoảng 1,5 tỷ đồng, hiện tại vẫn còn hơn 4 tỷ ngân hàng, mỗi tháng phải trả khoảng hơn 30 triệu tiền lãi. Mặc dù giá dầu tăng cao mức kỷ lục, mỗi chuyến đi đều phải bù lỗ, nhưng đã đầu tư rồi, không đi không được. Chỉ mong thời gian tới, giá dầu được bình ổn trở lại," ông Phụng chia sẻ thêm.
Chi phí đầu vào tăng cao, nhân công khan hiếm nên nên từ tháng 10/2021, tàu của anh Nguyễn Văn Tuấn, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn đã phải ngừng khai thác. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tàu của anh vươn khơi được 1 chuyến, tuy nhiên lại đúng thời điểm giá dầu tăng kỷ lục, chi phí không đủ bù lỗ, nên hiện tại anh Tuấn lại tiếp tục "gác mái" chờ thời điểm giá dầu hạ nhiệt mới tiếp tục vươn khơi.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ tàu TH 93068 TS cho biết trước đây khi giá xăng dầu bình ổn, mỗi chuyến vươn khơi chi phí tiền dầu rơi vào khoảng 80 đến 100 triệu đồng cho khoảng 12 ngày, tuy nhiên, đến nay, số chi phí tiền dầu đã tăng lên 150 đến 170 triệu. Sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, do hải sản trên biển ngày càng khan hiếm, giá nhân công và mọi chi phí tăng cao nên chủ tàu đành ngậm ngùi để khối tài sản hàng chục tỷ đồng nằm phơi mình bên bờ biển chờ ngày giá dầu hạ nhiệt.
"Nghề đi biển phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên có chuyến được chuyến không, giá dầu cứ tăng thế này chỉ còn nước bỏ thuyền thôi," anh Tuấn chia sẻ thêm.
Thành phố Sầm Sơn là một trong những địa phương có nhiều phương tiện đánh bắt hải sản nhất tỉnh Thanh Hóa, với hơn 1.700 phương tiện. Thế nhưng, kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tới nay, số lượng tàu thuyền ra khơi rất ít; trong đó có khảng 180 tàu cá có chiều dài từ 15 trở lên thường xuyên nằm bờ. Thực trạng này không chỉ xuất hiện ở Sầm Sơn mà dọc các cảng cá lớn của Thanh Hóa như Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) cũng rơi vào cảnh tượng tương tự.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết toàn tỉnh hiện có 6.694 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 1.172 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu vùng lộng và gần bờ. Nguyên nhân những tàu ít ra khơi là do giá xăng dầu và vật tư đầu vào tăng cao nên ngư dân cũng chưa muốn ra khơi đánh bắt.
Hiện Chi cục đã tổng hợp tình hình báo cáo lãnh đạo Sở trình Tỉnh ủy báo cáo Bộ Công Thương xem xét sớm có giải pháp bình ổn lại giá xăng dầu. Ngành cũng tích cực phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền, vận động, động viên ngư dân cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia…./.