Giá xăng dầu phá đỉnh, doanh nghiệp lao đao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng dầu hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp lao đao vì chi phí đầu vào tăng mạnh.
Giá xăng dầu đang tạo sức ép chi phí lên toàn nền kinh tế. Giá xăng dầu đang tạo sức ép chi phí lên toàn nền kinh tế.

Khó chồng khó

Tại kỳ điều chỉnh ngày 1/3/2022, Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố giá xăng dầu tăng từ 469 - 547 đồng/lít, theo đó giá xăng RON 95-V đã lên 27.870 đồng/lít, xăng RON 95-III là 27.360 đồng/lít... Đây là lần thứ bảy liên tiếp, giá xăng dầu tăng, kể từ đầu tháng 12/2021.

Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu tăng (do các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế), giá dầu thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, doanh nghiệp đang gián tiếp chịu ảnh hưởng của việc giá xăng dầu tăng. Mỗi năm, May 10 xuất nhập khẩu khoảng 2.000 container với 120.000 m3 hàng hóa, chi phí logistics đang chiếm tới 9,3% giá thành sản phẩm. Trước khi giá xăng dầu tăng liên tiếp, trong năm 2021, chi phí vận chuyển của Công ty đã tăng 19% so với năm 2020 và tăng đến 38% so với năm 2019.

Đại diện May 10 kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan có các giải pháp kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào để giúp doanh nghiệp giảm bớt việc tăng giá hàng hoá, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là đối với những nước có cùng sản phẩm nhưng giá thành thấp hơn”.

Là doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là ngành vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng chia sẻ, sau hai năm xảy ra đại dịch, nhu cầu đi lại của hành khách giảm, doanh thu của Công ty giảm khoảng 60 - 70%. Giờ đây, giá xăng dầu đã tăng tới 50 - 60%, hoạt động của Công ty ngày càng bị thu hẹp.

Trước đây, Công ty có hơn 300 đầu xe taxi và gần 100 chuyến xe đường dài Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày, hiện tại chỉ còn cầm cự được khoảng 100 taxi và vài chuyến xe đường dài/ngày.

Doanh nghiệp vận tải đang chồng chất khó khăn, càng chạy càng lỗ.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng

“Doanh nghiệp vận tải đang chồng chất khó khăn, càng chạy càng lỗ, nhưng chưa thể tăng giá cước, bởi vì giá cao làm giảm sức cạnh tranh trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng chưa tăng trở lại”, ông Hải nói.

Tại Công ty cổ phần Logistics và khai thác cảng Lokaport, theo ông Lê Mạnh Cương, Tổng giám đốc Công ty, hai năm vừa qua, do đại dịch Covid-19, ngành logistics gặp khó khăn do cước tàu biển tăng, phụ phí tăng… Riêng năm 2021, chi phí của Lokaport tăng 18% so với năm 2020 và tăng tới 35% so với năm 2019.

Việc giá xăng dầu tăng chóng mặt từ cuối 2021 đến giờ, ông Cương ước tính, riêng tiền nhiên liệu đã chiếm 35 - 38% tổng giá thành đơn hàng mỗi sản phẩm, tăng mạnh so với mức từ 17 - 21% trước đây.

“Trong khi đó, doanh nghiệp không tăng được giá cước đối với khách hàng, bởi các hợp đồng đã ký đều có những ràng buộc chặt chẽ về giá cả”, ông Cương nói.

Ước tính giá xăng dầu tăng đã chiếm khoảng 45 - 50% giá cước vận tải, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng, giá xăng dầu đang ảnh hưởng lớn đến chi phí của các hãng taxi - vốn đang oằn mình chịu tổn thương

Năm 2021, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần giảm 52% so với mức thực hiện năm 2020 và lỗ ròng gần 274 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã phải cắt giảm hơn 2.500 nhân viên, trong đó có khoảng 1.800 tài xế.

“Chúng tôi trông chờ cơ quan quản lý có giải pháp để giảm bớt gánh nặng, khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hỷ bày tỏ.

Giá xăng dầu vẫn chịu áp lực tăng

Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 3/3/2022, Bộ Tài chính nhận định, mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng có nguyên nhân từ việc tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thế giới, bao gồm xăng dầu và gas.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1,42%. Nhóm giao thông tăng cao nhất với 15,46%, làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 47,07%.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu thô tăng nóng. Nhưng, ngay cả khi xung đột lần này sớm kết thúc thì giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục ở ngưỡng cao, do nhu cầu tiêu thụ dầu để phục hồi sản xuất trên thế giới vẫn cao và nguồn cung trong nước vẫn thiếu hụt.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2022 diễn ra chiều 3/3/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, thời gian qua tại một số địa bàn đã diễn ra tình trạng khan hiếm cục bộ nguồn cung xăng dầu.

Ông Hải thông tin, sản xuất nội địa đã đáp ứng 70 - 75%, thậm chí có thời điểm tới 80% nhu cầu xăng dầu trong nước, chủ yếu được cung cấp bởi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (chiếm 35 - 40% thị phần) và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (35% thị phần).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Nhà máy Nghi Sơn, thời gian qua, đơn vị này gặp khó khăn về tài chính và một số khó khăn nội tại nên đã phải cắt giảm công suất thực hiện, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã ký hợp đồng vì thế mà giảm so với thoả thuận giữa hai bên. Kế hoạch thực hiện của Nghi Sơn là 680.000 m3, nhưng thực tế tháng 2/2021 chỉ giao được 390.000 m3 (đạt 43%) và dự kiến tháng 3/2022 cũng chỉ giao được 540.000 m3 (đạt 80%).

Đối với Nhà máy Bình Sơn, sau khi có chỉ đạo tăng công suất trong mức cho phép, từ 7/2/2022 đơn vị này đã nâng công suất lên được 105%, tuy nhiên mức tăng 5% này chỉ tương đương 28.000 m3 và chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

Trước đó, để tránh thiếu hụt nguồn cung, Bộ Công Thương giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhất nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu cho quý II/2022, trong đó có 840.000 m3 xăng và hơn 1,5 triệu m3 dầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trước khi Nhà máy Nghi Sơn phục hồi hoàn toàn sản xuất, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng nếu không có các biện pháp bình ổn kịp thời.

Hiện dư địa của Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) không còn nhiều, vì vậy, Nhà nước cần giảm thuế, song song với đó, doanh nghiệp cần chủ động tăng năng lực quản trị để tiết giảm chi phí đầu vào.

Về giải pháp giảm thuế, các hãng vận tải ước tính, mỗi lít xăng dầu hiện nay đang phải “cõng” nhiều loại thuế, phí như thuế bảo vệ môi trường 2.000 – 4.000 đồng/lít, kg; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ xăng dầu còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng/lít xăng; 600 - 950 đồng/lít, kg dầu, tuỳ loại.

Liên quan đến đề xuất trên, hôm 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và trình Chính phủ trước 28/2/2022.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin, chiều cùng ngày, bộ này đã gửi văn bản đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam để xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn cho thời điểm từ nay đến hết năm 2022. Mức giảm 500 - 1.000 đồng/đơn vị xăng, dầu, mỡ nhờn. Sau khi giảm thuế, giá xăng dầu sẽ giảm 550 - 1.100 đồng/lít.

Tuy vậy, theo ông Lê Mạnh Cương, “mức giảm 500 - 1.000 đồng thuế không đáng kể gì so với 7 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp" và "chỉ 1 - 2 tháng nữa thôi, chúng ta sẽ lại phải chứng kiến thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rời khỏi thị trường”.

Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục