Hàng “made in Vietnam” nhưng không sản xuất ở Việt Nam tràn lan trên thị trường

Hàng hóa gắn mác "made in Vietnam" nhưng không sản xuất ở Việt Nam là tình trạng còn tồn tại khá phổ biến tại thị trường trong nước.
Thương hiệu Khaisilk nhiều năm liền bán khăn lụa Made in Vietnam nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thương hiệu Khaisilk nhiều năm liền bán khăn lụa Made in Vietnam nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đây là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh tại Hội nghị triển khai Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" của Bộ Công Thương.

Theo ông Linh, hiện nay trên thị trường tồn tại khá phổ biến hiện tượng gian lận xuất xứ, gắn mác hàng Việt, nhưng không sản xuất tại Việt Nam để trốn thuế, rơi vào các mặt hàng chủ yếu là rau củ, quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em...

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xu hướng người Việt chuộng hàng Việt nhiều hơn; doanh nghiệp muốn lẩn tránh, trốn thuế; phân phối, tiêu thụ dễ dàng, chưa có chế tài xử lý nghiêm.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất các giải pháp tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, tăng cường hậu kiểm, bên cạnh đó, cần có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ, truy xuất nguồn gốc.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, với Đề án này, lần đầu tiên trong tiến trình hội nhập Việt Nam đạt trình độ đấu tranh chống gian lận thương mại, lẩn tránh phòng vệ thương mại. Điều này liên quan trực tiếp đến thành công và tính hiệu quả của tiến trình hội nhập nước ta, đặc biệt trong bối cảnh vừa ký các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, xu thế bảo hộ có xu hướng gia tăng trên thế giới, nếu không quan tâm thỏa đáng đến công tác phòng vệ thương mại thì ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác hội nhập.

“Nếu không quan tâm thỏa đáng đến công tác phòng vệ thương mại thì ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác hội nhập cũng như  các mối quan hệ đối tác, đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, không chỉ "đối ngoại", ngay trong vấn đề "đối nội", mở cửa thương mại mà để gian lận xuất xứ, gian lận thương mại cũng làm tổn thương đến cả thị trường nội địa".

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đặc biệt quan tâm đến những nhóm mặt hàng có "nguy cơ" như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, gia dụng, điện tử...và các thị trường trọng điểm như Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ... cần có cơ chế giám sát đặc biệt.

Được biết, các nhóm giải pháp và kế hoạch triển khai của Đề án trong thời gian tới sẽ tập trung vào tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài;  nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục