Chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm 2023 - “Phát triển bền vững - Đích đến trong hành trình kiến tạo chuỗi giá trị tương lai” vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) nhận định, với ưu thế lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và tới đây là Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và số, giảm phát thải, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi giá trị.
Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp châu Âu, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham, cùng các đại diện Airbus, Les Vergers Du Mekong cũng đánh giá cao lợi thế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, đồng thời bày tỏ nhiều kỳ vọng từ thị trường. Tuy nhiên, các diễn giả cũng phân tích không ít hạn chế, thách thức đặt ra trước tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cùng xu hướng tăng cường các quy chuẩn thương mại xanh, bền vững. Hàng loạt quy định đáng lưu ý như Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD)... được nhận định sẽ tác động đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU, từ các mặt hàng công nghiệp đến nông nghiệp.
Ở một khía cạnh khác, việc đáp ứng yêu cầu về tính bền vững, tính “trách nhiệm” cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp, giúp khai thác hiệu quả hơn lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm.
Theo đại diện doanh nghiệp Việt Nam như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, muốn phát triển, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn mới và lộ trình phát triển gắn với tiêu chí xanh, bền vững, tuần hoàn. Đây cũng là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là con đường bắt buộc để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Các giải pháp xanh hóa sản xuất, thực hiện các trách nhiệm môi trường, xã hội cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
Được biết, EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam - là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn kinh tế, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao làm giảm nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - EU đã bị tác động đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, quý III/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 15,12 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022; tuy nhiên đã có dấu hiệu cải thiện khi đà giảm chậm lại đáng kể so với mức giảm 10% của quý I và 9,7% của quý II/2023.