"Luật chơi" mới của thương mại toàn cầu
Chuyển đổi sản xuất để giảm được lượng khí thải ra môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu đầu vào (điện, nước, tài nguyên không tái tạo...), để tạo ra được các sản phẩm xanh hơn khi xuất khẩu, sẽ giúp các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu trước yêu cầu về xanh hóa sản xuất từ các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ...
Các chuyên gia hỗ trợ xuất khẩu đến từ CHLB Đức, Thụy Sỹ, cả những doanh nghiệp Việt có hoạt động chuyển đổi xanh đều khẳng định điều này tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” diễn ra sáng 24/11 tại Hà Nội.
Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
"Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững không còn là chủ đề mới. Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững và kinh tế Việt Nam phải đi theo xu hướng này". Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại Diễn đàn.
"Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư ", ông Hải nêu, đồng thời dẫn chứng: Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon ( CBAM), Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan)...
Xuất khẩu sang thị trường EU năm cao điểm gần 2 tỷ USD sản phẩm sắt thép, trước quy định của EU về CBAM, áp lực chuyển đổi sản xuất xanh hơn với ngành thép rất lớn.
Theo ông Đinh Quốc Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thép là ngành vật liệu cơ bản, đáp ứng cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp lẫn xây dựng, nhưng cũng là ngành phát thải lớn. Do vậy, công cuộc chuyển đổi sản xuất để sản phẩm xanh hơn cũng khá nặng nề. Giải pháp được ngành đặt ra là tập trung nâng cấp, đổi mới, cải tiến công nghệ với các nhà máy hiện có, mục tiêu để giảm phát thải xuống mức thấp nhất.
Một trong những giải pháp trọng tâm là các nhà máy sản xuất hiện thực hiện chuyển đổi từ lò cao, lò thổi sử dụng nguyên liệu quặng sắt, nhiện liệu than cốc sang công nghệ mới tiết kiệm và hiệu quả hơn, đồng thời thu giữ CO2 vào năm 2035.
Năm 2021, thép lọt TOP các mặt hàng xuất khẩu hơn chục tỷ USD, đến 2022, dù không còn giữ được "phong độ" này, nhưng thép vẫn là ngành xuất khẩu lớn, đã xuất đi hơn 30 thị trường toàn cầu, các thị trường lớn là EU, Asean, Mỹ, Ấn Độ...Do đó, sản xuất xanh hơn để không bị "tuýt còi" tại các thị trường lớn đang đặt ngành thép vào thế không thể lùi.
"Ngành thép chỉ nắm bắt được cơ hội thị trường khi bắt tay vào nâng cấp sản xuất ngay từ lúc này, không được chậm trễ, chỉ như vậy mới cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu", ông Thái khẳng định.
VSA đang tiếp tục nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon, đảm bảo tiến tới một ngành sản xuất thép có khả năng cạnh tranh và phát triển xanh.
Để thực hiện thắng lợi chiến lược xuất khẩu, nhất là đối với một quốc gia có nền ngoại thương phát triển như Việt Nam, đại diện Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (Sippo) lưu ý, các chính sách, cơ chế liên quan đến xuất, nhập khẩu phải luôn tiệm cận, thích ứng với đặc điểm, xu thế của thị trường thế giới.
Trong khi đó, Trường hợp phần Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular) của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) bà Mira Nagy cho rằng, chính sách kinh tế tuần hoàn của EU mang lại cả thách thức và cơ hội cho Việt Nam. Lợi thế sẽ đến khi các ngành kinh tế đầu tư hiệu quả cho hoạt động chuyển đổi xanh và tuân thủ đúng cam kết của các đối tác nhập khẩu.
Đa dạng đối tác thương mại
TS Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCC) nhấn mạnh: "Xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế đang đặt các ngành hàng xuất khẩu trong nước trước bài toán sống còn về chuyển đổi trong hoạt động đầu tư, sản xuất".
Để giảm thiểu rủi ro, dần đáp ứng "luật chơi" mới, ông Nam khuyên doanh nghiệp cần đa dạng đối tác thương mại, mở rộng phạm vi xuất khẩu sang các thị trường mới, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản và xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; Đánh giá mức độ thâm dụng carbon trong hoạt động sản xuất; tăng đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Không chỉ chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu xanh để cắt giảm phát thải, đã có doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng để giảm thiểu ô nhiễm.
Ông Lê Văn An, Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cơ điện Xây dựng - CTCP(Agrimeco) cho hay, doanh nghiệp đã bắt tay vào xanh hóa sản xuất từ việc tăng đầu tư vào năng lượng, khai thác thủy điện từ hồ chứa thủy lợi, phát triển điện mặt trời trên hồ thủy lợi và chương trình phát triển trồng tre sinh khối.
"Cây tre giúp giảm phát thải rất hiệu quả, hút khí Co2 hơn nhiều loại cây trồng khác và nhả khí oxi", ông Lê Văn An giải thích.
Dù xanh hóa hoạt động sản xuất công nghiệp được nhắc tới nhiều, nhưng khó khăn để tiến tới mô hình sản xuất chuẩn, ít phát thải vẫn đầy thách thức với các doanh nghiệp, nhất là đặc thù của nhiều ngành sản xuất chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu năng lực tài chính và không biết phải thực hiện từ khâu nào trong lộ trình xanh hóa và hiểu biết về quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới mẻ.
Để giảm thiểu những hạn chế này, một trong những nhiệm vụ của hoạt động xúc tiến thương mại là tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định, để quá trình chuyển đổi xanh diễn ra hiệu quả, cần các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho ngành hàng, doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách về chuyển đổi xanh và nâng cao hiệu quả thực thi giữa các Bộ, ngành, đồng thời kiểm tra, giám sát để hoạt động chuyển đổi sản xuất xanh hơn diễn ra thực chất.