Hàng loạt câu hỏi được đặt ra khi những đợt IPO đầu tiên trong năm 2014 của một số DNNN không mấy thành công như mong đợi. Rằng, tại sao khi tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn quá áp đảo. Rằng, việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá có tạo nên lỗ hổng gây thất thoát tài sản nhà nước không. Hay có thể tái xuất một “phong trào cổ phần hóa” với những kết cục không mấy sáng sủa, như đã từng xảy ra với các phong trào đầu tư vào mía đường, cảng biển, xi măng...
Vấn đề nằm ở chỗ, cho tới thời điểm này, không mấy câu hỏi có được thông tin thực sự đầy đủ, rõ ràng và công khai để trả lời.
Ngay cả danh sách DNNN cổ phần hóa, dù đã được công bố số lượng, song vẫn không dễ dàng tìm kiếm được những tên tuổi cụ thể với những thông tin đầy đủ về kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, cũng như cơ cấu sở hữu sau cổ phần hóa của các doanh nghiệp...
Tạm không bàn tới yêu cầu thông tin minh bạch, công khai để phục vụ yêu cầu quản lý chủ sở hữu nhà nước đối với tài sản của mình, hay phục vụ quản trị nội bộ trong doanh nghiệp. Chỉ đứng ở góc độ thị trường, với lượng hàng hóa dự cung đang rất lớn, nếu thông tin không rõ ràng, không đầy đủ theo yêu cầu của thị trường, giới đầu tư sẽ do dự quyết định bỏ vốn bởi cả tính khó đoán định về “chất lượng của hàng hóa”, cũng như tính rủi ro của các thương vụ này rất lớn, khi các công cụ giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này không đủ điều kiện để thực hiện.
Thực ra, theo quy định hiện hành, việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước đã được quy định ở khá nhiều văn bản. Có thể kể đến Luật Doanh nghiệp (Điều 9 về nghĩa vụ doanh nghiệp; Điều 148 về báo cáo tài chính); Nghị định 25/2010/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu…
Chỉ riêng trong năm 2013, một loạt văn bản pháp lý liên quan đến cơ chế giám sát, quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, cũng như chế độ tiền lương, thưởng với lãnh đạo doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước được ban hành.
Tuy vậy, phải thẳng thắn, các quy định về công bố thông tin này vẫn chưa thành hệ thống, chưa đầy đủ, cụ thể và nhất là chưa phù hợp với yêu cầu hiện tại, chưa tương đương với các quy định về công bố thông tin của công ty đại chúng. Cũng chưa có quy định cụ thể về các thông tin phải công khai, công bố, các loại hình công bố thông tin, cách thức công bố thông tin, cũng như trách nhiệm của người công bố thông tin đối với các trường hợp là các DNNN, các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.
Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể để phân biệt rõ trách nhiệm của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Hơn thế, theo quy định hiện hành, các quy định về công bố thông tin của công ty TNHH một thành viên chủ yếu dừng lại ở quy định báo cáo tài chính định kỳ hàng năm về phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ. Trong khi đó, các thông tin mà giới đầu tư cần liên quan đến các hoạt động có tác động lớn đến tình hình kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp như đầu tư, mua, bán tài sản có giá trị lớn, tăng giảm vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, phân phối lương… chủ yếu mới dừng lại ở việc thực hiện báo cáo hàng năm, chưa đầy đủ, rõ ràng…
Cần phải nhắc lại, yêu cầu minh bạch và công bố công khai hoạt động của khu vực DNNN đề tránh sự bất bình đẳng không chỉ là từ những đòi hỏi trong nội bộ doanh nghiệp, từ chủ sở hữu nhà nước, mà còn là thực hiện cam kết mà Việt Nam đã đặt ra khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Trong nội dung đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), minh bạch và công bố thông tin của khu vực DNNN cũng được đặt ra.