Hàng không tăng trưởng nhanh theo GDP
Sáng 11/12, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức toạ đàm: “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.
Nói về tốc độ tăng trưởng ngành hàng không trong nước, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng nói rằng không muốn dùng cụm từ “nóng” hay “rất nóng”. Bởi ông cho rằng nếu nói như vậy người ta sẽ nghĩ đến “sự phát triển ngoài tầm kiểm soát”.
Do đó, cụm từ nên sử dụng, theo ông Thắng, là “phát triển nhanh”.
Cụ thể, giai đoạn trong một thập kỷ, về lượng hành khách Việt Nam đã tăng trưởng 17,1% về hành khách, 13,8% về hàng hoá. Sản lượng theo đó tăng lần lượt là 4,86 lần và 3,36 lần.
Theo ông Thắng, tốc độ tăng trưởng tuy nhanh nhưng hợp lý. Nó thể hiện ở hai lý do: Việt Nam có xuất phát điểm của ngành thấp; và tăng trưởng hàng không gắn với tăng trưởng GDP.
GDP tăng 1% thì ngành hàng không tăng tương ứng từ 1,5 - 2%.
Ông Dương Trí Thành, TGĐ Vietnam Airlines thì nói rằng thị trường nóng hay không tuỳ thuộc vào nhận định của từng người.
Nhưng ông thừa nhận việc ngành hàng không tăng trưởng cao đang tạo áp lực lên hạ tầng, ảnh hưởng đến vận hành của các hãng bay.
Ví dụ, thời gian thực hiện bay chuyến Hà Nội - TP. HCM sau mỗi tháng bị kéo dài thêm 5 phút.
Điều này ảnh hưởng tới chất lượng và chi phí kinh tế - ông Thành nói. Do vậy, ông nhấn mạnh cần phải giúp cho hạ tầng đáp ứng tốc độ phát triển.
Các diễn giả và đại diện các bên tham gia, tổ chức tọa đàm.
Là đại diện của hàng không tư nhân, ông Đinh Việt Phương, Phó TGĐ Vietjet Air có cách đặt vấn đề hơi khác.
Theo trí nhớ của ông Phương, thời Vietjet với gia nhập thị trường, để người dân đi từ Bắc vào Nam phải mất trên 40 giờ đi lại, rất vất vả.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thời gian đã được rút xuống còn 2h, bằng hàng không giá rẻ. Nhu cầu này vẫn tiếp tục tăng ở các địa phương - ông nói.
“Khi cảng hàng không Thọ Xuân mở ra, nhiều người băn khoăn vì chỉ cách Vinh hơn 100km thì phát triển như nào. Nhưng giờ khách của cảng này rất tốt”, ông Phương nói.
Ông cho biết nếu so sánh với các nước như Malaysia, Thái Lan, thì thị trường hàng không Việt vẫn còn khiêm tốt, nhu cầu tăng trưởng cao. Điều quan trọng, theo đại diện Vietjet Air, là làm thế nào để tăng trưởng bền vững, an toàn.
“Càng nóng càng tốt”
“Chúng ta không sợ từ “nóng”, nếu dùng theo nghĩa tích cực. Càng nóng càng tốt nếu kiểm soát được an toàn, an ninh. Hàng không phát triển nóng nghĩa là kinh tế phát triển”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) nhận định.
Ông Thanh nhấn mạnh quan điểm: Không để thị trường chạy theo năng lực mà năng lực phải đi trước, đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Chúng tôi nhận thức được vai trò chủ đạo của ACV trong đầu tư khai thác mạng cảng hàng không sân bay theo Quyết định 236 của Thủ tướng”, ông nói.
Lấy ví dụ về cảng Tân Sơn Nhất, ông Thanh cho biết không có chuyện các hãng hàng không ồ ạt vào cảng bay này vì không có slot.
Năng lực của cảng, ở thời điểm hiện tại, theo ông Thanh, chỉ tăng thêm được từ 2- 3%. Tăng trưởng của cảng Tân Sơn Nhất chỉ khoảng 5%. Vấn đề cần được chú trọng ở đây là sự an toàn của các hãng bay.
“Bà con chật chội một chút, chất lượng dịch vụ xuống cũng có thể khắc phục. Nhưng kẹt là ở khu bay vì nằm trong kiểm soát an ninh, an toàn nên không có cách nào khác để tăng. Rất tiếc vì Tân Sơn Nhất không thể tăng trưởng nóng hơn được nữa vì vấn đề hạ tầng, vấn đề kiểm soát an toàn khai thác”, ông giải thích.
Tọa đàm kéo dài quá thời gian dự kiến nhưng khán phòng vẫn chật kín người nghe.
Ở thời điểm hiện tại, ACV đã xây dựng kế hoạch trung hạn trong đó đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu quy hoạch mà Thủ tướng quyết định với mạng cảng hàng không, trong đó có việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Pleiku, Điện Biên, Phú Quốc…
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng hiện đang chờ hoàn thiện quy hoạch chi tiết của hệ thống cảng hàng không sân bay.
“Điều này doanh nghiệp không được làm mà phải là cơ quan quản lý nhà nước”, ông cho biết và nói rằng còn chờ phê duyệt kế hoạch trung hạn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể triển khai các dự án mới.