Hàng không cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 cao kỷ lục, nhu cầu du lịch trong nước cũng tăng, giúp ngành hàng không “cất cánh”, trở lại đường đua tăng trưởng.
Hàng không cất cánh

Động lực từ đà khởi sắc của du lịch

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2024, ngành du lịch đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với năm 2023. Nhờ sự thông thoáng của chính sách thị thực và hiệu quả của hoạt động truyền thông, du lịch Việt đã có một năm phục hồi ngoạn mục. Khách nội địa trong năm ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng, tăng 23,85 so với năm 2023.

Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không chiếm đa số, với hơn 14,8 triệu lượt, tương ứng 84,4%.

Kết quả quan trọng này là động lực để toàn ngành du lịch Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.

Sự khởi sắc của ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh năm qua của các doanh nghiệp ngành hàng không. Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ngắt mạch thua lỗ 4 năm liên tiếp, với kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội.

Cụ thể, Vietnam Airlines ước đạt doanh thu 114.741 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.324 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận kỷ lục của Tổng công ty trong 5 năm qua. Tổng lượng hành khách vận chuyển đạt 22,7 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2023; tổng lượng hàng hóa vận chuyển tăng 40% so với năm trước đó.

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) cũng ghi nhận đà tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu vận chuyển, du lịch trong nước và quốc tế phục hồi và hãng này mở rộng đường bay và phát triển mạng bay quốc tế, đa dạng các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ.

Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) dự phóng lợi nhuận sau thuế của VietJet năm 2024 đạt 1.800 tỷ đồng, ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) đạt 10,6%.

Nếu như Vietnam Airlines và Vietjet Air kinh doanh khởi sắc thì Bamboo Airways đang tái cấu trúc mạnh mẽ và bắt đầu thiết lập lại chặng bay quốc tế (TP.HCM - Thái Lan) vào cuối tháng 11/2024 sau một năm tạm dừng. Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways khẳng định, đây là minh chứng mạnh mẽ cho sự phục hồi tích cực của Hãng.

Năm qua, Bamboo Airways dự kiến tổng doanh thu đạt 4.857 tỷ đồng và lỗ giảm về mức 1.387 tỷ đồng và dự kiến là năm cuối cùng thua lỗ. Công ty dự kiến khai thác 9 tàu bay thân hẹp Airbus, có thể tăng lên 12 chiếc vào cuối năm 2024 và 18 chiếc đến cuối năm 2025 nếu điều kiện thị trường cho phép.

Trong khi đó, tại Vietravel Airlines, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Quốc Kỳ, sự tham gia của 3 cổ đông chiến lược, gồm T&T Airlines, T&T SuperPort và Quỹ BVIM sẽ giúp Công ty tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng mạng đường bay và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Các doanh nghiệp đang có sự chuẩn bị kỹ cho hành trình tăng tốc.

Kỳ vọng tăng tốc

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo doanh thu toàn ngành hàng không năm 2025 sẽ vượt 1.000 tỷ USD và số lượng hành khách sẽ lập kỷ lục, bất chấp những khó khăn.

Tại Việt Nam, Công ty Chứng khoán KBSV đánh giá tiềm năng tăng trưởng hành khách nội địa trong dài hạn là bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 3 - 4%/năm từ năm 2026 nhờ ảnh hưởng tích cực từ các yếu tố thu nhập bình quân đầu người tăng ổn định và dân số đông thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới và duy trì mức tăng khá ổn định trong những năm tới.

Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng của nhóm khách hàng quốc tế chủ yếu đến từ sự phát triển của ngành du lịch quốc gia cũng như giao thương quốc tế.

Bên cạnh đó, còn phải kể tới yếu tố hỗ trợ khác là việc nâng giá trần vé máy bay và các dự án xây dựng và mở rộng, nâng cấp hạ tầng sân bay như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Quyết định số 648/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không và hệ thống sân bay giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ có 30 sân bay vào năm 2023 và đến năm 2033 sẽ có 33 sân bay.

KBSV dự kiến, lượng hành khách hàng không quốc tế của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ duy trì đà tăng trưởng trung bình 12-13%/năm từ nay đến năm 2030.

Trong bối cảnh nhiều sân bay chủ chốt đang quá tải và hoạt động vượt công suất thiết kế, dẫn đến tăng chi phí hoạt động như hiện nay, việc nâng cấp, mở rộng và xây mới các cảng hàng không sẽ nâng cao năng lực khai thác, chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh cho ACV trong dài hạn.

Các hãng hàng không cũng có sự chuẩn bị đón đầu nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa gia tăng trong năm 2025.

Đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, Vietnam Airlines đã thuê thêm 3 máy bay Airbus A320 trong thời gian từ ngày 13/1 - 12/2/2025. Các máy bay này được bàn giao cho Vietnam Airlines theo hình thức thuê ướt (bao gồm tổ bay).

Các máy bay tăng cường có sức chứa 180 khách, khai thác trên các đường bay giữa TP.HCM và Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Chu Lai. Các máy bay này sẽ đóng góp khoảng 75.000 ghế, tương đương hơn 400 chuyến bay trong dịp Tết năm nay.

Trước đó, Vietnam Airlines đã tiếp nhận thêm 3 máy bay mới trong tháng 12/2024, bao gồm 2 máy bay Airbus A320neo và 1 máy bay thân rộng Boeing 787-10. Cùng với việc thuê ướt thêm máy bay A320, Hãng đã sẵn sàng đội máy bay hơn 100 chiếc để phục vụ hành khách trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Mới đây, Vietjet Air huy động thành công 2.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu kỳ hạn 60 tháng bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh sẵn sàng bứt phá trong giai đoạn tới.

Thời gian qua, các hãng hàng không nội địa liên tục mở mới đường bay và có kế hoạch bổ sung số lượng máy bay lớn, tăng đáng kể quy mô đội tàu bay so với hiện tại nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng. Trong năm 2024, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã mở thêm các đường bay mới như Đà Nẵng - Ấn Độ, Tây An (Trung Quốc) - TP.HCM, Hà Nội - Kuala Lumpur (Malaysia) và mở rộng mạng lưới tại châu Âu với các điểm đến mới như Munich (Đức), Copenhagen (Đan Mạch) và Warsaw (Ba Lan), tăng tần suất các chuyến bay thẳng sang Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc). Hai hãng này đều tăng 3 tàu bay mới so với cuối năm 2023.

Về kế hoạch dài hạn, Vietnam Airlines dự kiến tăng quy mô đội tàu bay lên 109-129 chiếc vào năm 2030, trong khi VietJet đã ký kết hợp đồng với Airbus đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.

Bamboo Airways cũng mới thuê thêm 1 tàu bay mới và có kế hoạch tăng số tàu bay từ 9 chiếc lên 18 chiếc vào cuối năm 2025.

Với những động lực mới từ thị trường cũng như cơ sở hạ tầng, kỳ vọng các hãng hàng không sẽ tăng tốc trong năm mới Ất Tỵ 2025.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục