“Hàng hot” sàn UPCoM

(ĐTCK) Tháng 11, thị trường chứng khoán niêm yết rất sôi động khi liên tục lập đỉnh mới về điểm số và thanh khoản, nhưng không khí trên sàn UPCoM nhìn chung khá đìu hiu. Dẫu vậy, vẫn có một số cổ phiếu trên sàn này đang thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.
“Hàng hot” sàn UPCoM

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, sàn UPCoM đón gần 50 doanh nghiệp đăng ký giao dịch và hơn 10 doanh nghiệp từ hai sàn niêm yết là HNX và HOSE chuyển xuống.

Tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn này đã đạt tới con số 667. Tuy nhiên, trong đó, chỉ có gần 20 cổ phiếu có thanh khoản trung bình phiên từ 50.000 cổ phiếu trở lên, còn lại có thanh khoản rất thấp hoặc “chết thanh khoản”.

Điểm chung của những cổ phiếu hút dòng tiền trên sàn UPCoM đều là những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, có vị thế đầu ngành và hầu hết đã có kế hoạch lên sàn HOSE trong tương lai gần.

GEX: Quán quân thanh khoản sàn UPCoM

Dẫn đầu về thanh khoản trên UPCoM là cổ phiếu GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex). Trung bình 5 phiên gần nhất, GEX có khối lượng giao dịch bình quân hơn 1,4 triệu đơn vị/phiên.

GEX đăng ký giao dịch trên UPCoM từ tháng 10/2015, hiện đang được giao dịch ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu. Tương ứng mức giá này, P/E trượt 4 quý gần nhất của GEX khoảng 10 lần.

Năm 2017, Gelex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 10.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.050 tỷ đồng. Kết thúc 9 tháng, Tổng công ty đạt doanh thu 8.473 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.024 tỷ đồng, đạt lần lượt 80,2% và 97,5% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm. Với P/E dự phóng ở mức lợi nhuận kế hoạch là 6 lần, mức này khá hấp dẫn so với vị thế đầu ngành của Gelex.

Gelex hoạt động theo mô hình tập đoàn với các trụ cột chính như năng lượng, hạ tầng, bất động sản và đầu tư tài chính. Thông qua các công ty con, đơn vị thành viên, Gelex đang sở hữu nhiều thương hiệu hàng đầu trong các mảng khác nhau thuộc lĩnh vực này như: Cadivi, Thibidi, HEM, EMIC, Sotrans…

Trong lĩnh vực thiết bị điện, mới đây, Hội đồng quản trị Gelex đã thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CAV) từ 74,73% lên 79,76% vốn điều lệ, mà không thông qua chào mua công khai. Bên cạnh đó, Gelex dự kiến tăng sở hữu tại CTCP Kho vận miền Nam (Sotrans, mã chứng khoán STG) lên 54,78%.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Gelex, mục tiêu của Tổng công ty trong thời gian tới là chi phối 100% cổ phần tại Cadivi và 60% tại Sotrans.

Danh sách các công ty con của Gelex đáng chú ý còn có cái tên gắn liền với lịch sử chi trả cổ tức cao là CTCP Thiết bị điện (hiện đang niêm yết trên HOSE). Việc nắm giữ sở hữu tại các công ty nói trên không chỉ giúp Gelex củng cố hoạt động kinh doanh và vị thế đầu ngành, mà còn mang về cho Tổng công ty nguồn thu lớn từ cổ tức hàng năm.

HVN: Bật mạnh nhờ thông tin sắp niêm yết trên HOSE

Sau khoảng thời gian dài giảm mạnh kể từ khi lên sàn UPCoM đầu năm nay, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã bật mạnh trở lại từ đầu tháng 11/2017.

Từ mức 26.000 đồng/cổ phiếu, HVN đã tăng lên 33.800 đồng/cổ phiếu kết phiên ngày 28/11, tương ứng mức tăng hơn 30%. Đi kèm với đà tăng là thanh khoản của cổ phiếu được cải thiện đáng kể. Thanh khoản trung bình tuần đạt hơn 1,1 triệu cổ phiếu, cao gấp đôi mức bình quân từ đầu năm đến nay.

Hỗ trợ đáng kể cho đà tăng đó là kết quả kinh doanh quý III/2017, với lợi nhuận vượt 69% chỉ tiêu đề ra sau 9 tháng, đạt 2.256 tỷ đồng, doanh thu 61.124 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch đề ra.

Đà tăng giá của cổ phiếu HVN còn phản ánh thông tin tích cực khác. Mới đây, Vietnam Airlines  công bố sẽ chào bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và lên niêm yết trên HOSE vào năm 2018. Hiện cổ đông ngoại chiến lược duy nhất tại HVN và ANA Holdings, với tỷ lệ sở hữu 8,8%.

SNZ: Tăng gần gấp đôi sau 4 phiên chào sàn

Chính thức gia nhập sàn UPCoM từ ngày 20/11/2017, cổ phiếu SNZ của Tổng CTCP Khu công nghiệp (Sonadezi) cũng gây chú ý khi tăng trần liên tiếp 4 phiên từ mức 15.200 đồng/cổ phiếu lên 27.000 đồng/cổ phiếu và dừng ở mức 26.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 28/11. Tuy nhiên, thanh khoản chưa phải là điểm sáng ở SNZ.

Sonadezi hoạt động trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, đầu tư khu đô thị và công trình giao thông theo hình thức BT, BOT... Tổng công ty có 10 công ty con trong đó có những cái tên đáng lưu ý như CTCP Cảng Đồng Nai, CTCP Sonadezi Long Thành, CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2… Bên cạnh đó, Công ty còn tham giá góp vốn vào trên dưới 10 đơn vị liên kết khác.

Chín tháng đầu năm, SNZ đạt doanh thu 2.482 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế gần 399,8 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Như vậy, SNZ đã hoàn thành 70,8% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

GEX, HVN, SNZ là những cái tên gây chú ý nhất với nhà đầu tư trên sàn UPCoM, tuy nhiên so với quy mô khối lượng cổ phiếu đưa lên giao dịch và vị thế trong ngành của các cổ phiếu này thì thanh khoản hiện tại vẫn thấp. Điều này càng thấy rõ khi so sánh với thanh khoản của doanh nghiệp cùng ngành trên sàn niêm yết chính thức.

UPCoM dù là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp làm quen với các tiêu chuẩn niêm yết, nhưng đồng thời cũng hạn chế khả năng tiếp cận của vốn ngoại đối với các doanh nghiệp tiềm năng. Một số quỹ đầu tư nhất là các quỹ ngoại quy mô lớn thường sẽ không rót vốn vào các đại chúng chưa niêm yết với lý do vi phạm nguyên tắc phân bổ vốn.

Trước thực tế đó, không ít cổ phiếu đã chuyển lên sàn niêm yết trong thời gian qua như BTW, VTJ… và tới đây là GEX, HVN. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, GEX dự kiến sẽ niêm yết trên HOSE vào tháng 3/2018.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục