“Hàng hot” được chờ đợi lên sàn

(ĐTCK) Trong số doanh nghiệp mới đăng ký công ty đại chúng, một số doanh nghiệp đang được giới đầu tư chờ đợi lên sàn, nhờ sức hút từ những lợi thế riêng.  
“Hàng hot” được chờ đợi lên sàn

Unimex Hà Nội

Ngày 6/9 vừa qua, CTCP Liên hiệp xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội) đã chính thức trở thành công ty đại chúng. Cổ phiếu của doanh nghiệp này từng rất được quan tâm trong đợt chào bán lần đầu (IPO) diễn ra vào cuối năm 2015.

Unimex Hà Nội tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ năm 1962, hoạt động trong các lĩnh vực như thương mại xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư bất động sản. Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T nắm giữ 50%; Nhà nước nắm 20%.

Trước khi cổ phần hoá, kết quả kinh doanh của Unimex Hà Nội tương đối thất thường, lợi nhuận ròng giai đoạn 2012 - 2014 dao động từ 500 triệu đồng đến gần 9 tỷ đồng. Riêng 6 tháng 2015, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 38,5 tỷ đồng nhờ lợi nhuận từ việc bán các khoản đầu tư. Năm 2017, Unimex Hà Nội đặt kế hoạch tổng doanh thu 950 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến18 tỷ đồng.

Lợi nhuận chưa hẳn đã hấp dẫn, nhưng điều đặc biệt là Unimex Hà Nội đang sở hữu quỹ đất lớn, ở vị trí vàng tại các thành phố lớn. Theo bản cáo bạch IPO, Unimex quản lý, sử dụng 10 khu đất tại Hà Nội và 5 khu đất khác tại Hải Phòng, TP.HCM, An Giang với tổng diện tích đất hơn 63.000 m2.

Seoul Metal

Cũng được chấp thuận hồ sơ đại chúng vào ngày 6/9, CTCP Seoul Metal Việt Nam gây chú ý khi được biết đến là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đinh vít, ốc vít cho các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Brother, Olympus, Sanyo, Panasonic...

Năm 2015 và 2016, Seoul Metal ghi nhận 264,6 và 347,5 tỷ đồng doanh thu thuần. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 43 tỷ đồng và 60 tỷ đồng trên vốn điều lệ 145 tỷ đồng. EPS năm 2016 của Công ty lên tới 7.940 đồng.

Năm 2017, Seoul Metal kỳ vọng các chỉ tiêu chính cùng tăng trưởng trên 17% với doanh thu thuần 408,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 70,3 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Công ty báo cáo kết quả doanh thu thuần 179 tỷ đồng và lãi ròng 36,9 tỷ đồng.

VEAM

Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cũng vừa được chấp thuận tư cách công ty đại chúng. Hoạt động này là một phần trong kế hoạch lên niêm yết trên HOSE trong quý IV/2017 mà Công ty công bố trước đó.

VEAM  nhận được sự quan tâm của giới đầu tư kể từ năm 2016 với đợt IPO lớn nhất năm. Sức hấp dẫn của VEAM đến từ việc tổng công ty này đang nắm giữ cổ phần và thu lợi lớn từ các đại gia ngành xe máy, ô tô như Toyota, Honda, Ford Việt Nam. Ngoài ra, VEAM giữ vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam về máy động lực và máy nông nghiệp sản xuất.

Năm 2016, doanh thu công ty mẹ của VEAM đạt 2.390 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế đạt 3.819 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ VEAM sau cổ phần hóa là 13.288 tỷ đồng, tương đương với 1,33 tỷ cổ phiếu lưu hành tính theo mệnh giá. Trong đợt IPO năm 2016, VEAM chỉ bán được 11,2% vốn của Công ty (hơn 149 triệu cổ phiếu) cho các nhà đầu tư bên ngoài với giá trúng bình quân là 14.291 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm 2017, cổ phiếu VEAM thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường giao dịch tự do, mức giá chào mua/bán hiện dao động khoảng từ 21.000 - 24.000 đồng/cổ phiếu.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục