Cao tốc “hút” nhà đầu tư
Cho đến thời điểm này, trong các dự án PPP giao thông đang trong giai đoạn chuẩn bị, Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang dẫn đầu về số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia. Theo xác nhận của ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), công trình xây dựng 23,6 km cao tốc 4 làn xe về Tây Đô đang có đến 9 liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ nhận được sự “gật đầu” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong số các nhà đầu tư được đánh giá là nặng ký đã đệ đơn xin tham gia dự án có tổng mức đầu tư 6.618 tỷ đồng này, đáng kể nhất là liên danh SOVICO + IMICO + PACIFIC + CIENCO 5; liên danh Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) + Yên Khánh + CIENCO 1; liên danh FECON + COTECCONS; Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Golf Long Thành; Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và năng lượng + IL&FS (Ấn Độ); Tổng công ty Cửu Long; Tổng công ty Bạch Đằng.
Được biết, ngoài việc được quyền thu phí đoạn tuyến thuộc Dự án trong khoảng 20 năm 11 tháng, Nhà nước sẽ hỗ trợ nhà đầu tư thông qua sử dụng quyền thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương khoảng 4 năm 11 tháng (bắt đầu từ năm 2030, ngay sau khi kết thúc thu phí hỗ trợ hoàn vốn Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận).
“Với cơ chế hỗ trợ này, Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là công trình đầu tư theo hình thức PPP dù ngân sách nhà nước chỉ tham gia một cách gián tiếp”, ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long - đơn vị được Bộ GTVT giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền - nhận định.
Liên quan tới việc lựa chọn nhà đầu tư cho tuyến cao tốc về vùng lõi Đồng bằng sông Cửu Long, kế hoạch được Bộ GTVT đặt ra là: hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư, ký thoả thuận đầu tư trong quý III/2016 (nếu chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư). Trường hợp sau công bố Dự án, kêu gọi đầu tư tiếp tục có nhiều nhà đầu tư đăng ký và vượt qua sơ tuyển, đặc biệt là có nhà đầu tư nước ngoài, sẽ tiến hành đấu thầu, nhưng không vượt quá quý IV/2016.
Một công trình đường cao tốc khác cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư là Dự án PPP đường vành đai III đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn I. Hiện Dự án có mục tiêu xây dựng 17,84 km đường cao tốc 4 làn chạy trên cao này được chia làm 2 phân đoạn. Cụ thể, phân đoạn 1A khoảng 5.331 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn EDCF do Chính phủ cấp phát, kinh phí giải phóng mặt bằng do tỉnh Đồng Nai và TP.HCM bố trí; phân đoạn 1B khoảng 4.400 tỷ đồng đầu tư theo hình thức BOT với phương án thu phí hoàn vốn trên cả hai phân đoạn 1A và 1B.
Hiện Liên danh Cửu Long CIPM và Công ty TNHH Xây dựng cơ sở hạ tầng Phú Thọ; Tổng công ty LICOGI; Tổ hợp KEC-KUMHO (Hàn Quốc); Công ty SamSung Everland; Công ty Tuấn Lộc đã có đơn xin tham gia đầu tư Dự án. “Dự kiến, đơn vị tư vấn sẽ trình Bộ chủ quản phê duyệt tổng thể dự án đầu tư trong tháng 2/2016; thực hiện các bước sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ quý I/2016 đến quý IV/2016”, ông Huy cho biết.
PPP là thước đo thành công
Hai dự án đường cao tốc nói trên nằm trong danh mục 23 dự án lớn đầu tư theo hình thức xã hội hóa theo các hình thức PPP, BT, với tổng mức đầu tư 39.899 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư khoảng 39.425 tỷ đồng, dự kiến khởi công hoặc lựa chọn nhà đầu tư trong năm nay. “Có khá nhiều dự án được chuyển đổi hình thức đầu tư từ dùng ngân sách nhà nước sang đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội”, ông Huy cho biết.
Đáng chú ý trong danh sách nói trên là Dự án nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài 6,7 km thuộc tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt. Đây là lần đầu tiên, một tuyến đường sắt độc lập nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia được đem cho thuê với mục tiêu tạo bước đột phá về hiệu quả khai thác.
Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh gần 7 km đường ray, 4 đầu máy cũ khai thác không hiệu quả, tuyến Đà Lạt - Trại Mát còn sở hữu một tài sản lớn về hạ tầng và quỹ đất, trong đó có cụm biệt thự cổ trong khuôn viên ga Đà Lạt tại số 1 đường Quang Trung, TP. Đà Lạt, với diện tích lên tới 43.686 m2, nhưng cũng đang trong tình trạng xuống cấp.
Hiện Bộ GTVT đang xem xét lựa chọn nhà đầu tư trong số các ứng viên đã đệ đơn quan tâm là Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Bạch Đằng, Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Đường sắt Đông Dương.
“Mặc dù toàn bộ 23 dự án đều đã nhận được đề xuất đầu tư, nhưng “cánh cửa” tham gia vẫn mở rộng cho bất cứ nhà đầu tư có phương án đầu tư khả dĩ nhất”, lãnh đạo Ban PPP cho biết.
Theo Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, quan điểm của Bộ GTVT là chỉ chấp thuận những nhà đầu tư có năng lực tốt tham gia thực hiện các dự án giao thông và phải kiên quyết loại bỏ những nhà đầu tư yếu kém nhảy vào đăng ký chỉ để giữ chỗ, xí phần. Đồng thời, Ban PPP cũng cần đề xuất một số cơ chế để Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai nhanh các dự án PPP.
“Năm nay, Bộ GTVT sẽ lấy thành tích của các dự án BOT để đánh giá từng ban quản lý dự án, chủ đầu tư, bởi việc thực hiện thành công những dự án này là thước đo thể hiện sự năng động, sáng tạo, tư duy của các đơn vị trong ngành”, ông Trường khẳng định.