Hàn Quốc cố bình ổn giá nhà sau Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ nâng mức thuế đánh vào chủ sở hữu nhiều bất động sản. 
Hàn Quốc cố bình ổn giá nhà sau Covid-19

Đây được xem là động thái mới nhất trong chuỗi biện pháp kiềm chế đà tăng nóng của giá nhà, diễn biến khiến dư luận Hàn Quốc bức xúc vì gia tăng chênh lệch giàu nghèo và thổi bùng làn sóng đầu cơ.

Trong thông điệp mới nhất phát đi, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki đã gửi lời xin lỗi vì thất bại trong việc giữ bình ổn giá tại thị trường bất động sản, đồng thời cho biết, sẽ nâng các mức thuế đánh vào người bán nhà sau thời gian sở hữu ngắn và những cá nhân sở hữu nhiều hơn 1 bất động sản.

Trước đó, giới chức Hàn Quốc cho biết đang tìm giải pháp gia tăng nguồn cung, bao gồm động thái nới lỏng các quy định phát triển đô thị và sử dụng đất công để xây dựng dự án nhà ở mới.

Việc giữ bình ổn giá nhà và cung cấp nhiều bất động sản với giá cả phù hợp với sức chi trả của người dân là một trong những mục tiêu chính sách nổi bật của Tổng thống Moon Jae-in kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2017 với lời hứa sẽ cải thiện tiêu chuẩn sống cho số đông dân cư. Tuy nhiên, sự chênh lệch cung - cầu thị trường, cùng nhiều yếu tố khác khiến giá nhà không ngừng tăng tại các thành phố, nhất là Seoul.

Hiện tại, môi trường lãi suất thấp được duy trì nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch, đồng thời cũng tạo áp lực lên giá bất động sản. Trong cuộc khảo sát mới nhất vào đầu tháng 7, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon đã xuống mức thấp nhất 4 tháng qua mà giá bất động sản được xem là nguyên nhân chính khiến người dân không hài lòng.

Thực tế, trong 3 năm qua, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã thực thi nhiều chính sách kiểm soát đà tăng giá bất động sản, mà kết quả là giá nhà trung bình tại các thành phố lớn trên cả nước được giữ ổn định, thậm chí giảm tại một số khu vực nhỏ. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Seoul và khu vực lân cận vẫn tăng trưởng quá nóng.

Mức giá căn hộ trung bình tại Seoul tăng 50% kể từ tháng 5/2017 tới tháng 6/2020, đạt 925 triệu won (774.000 USD). Con số này là “khổng lồ” so với đà tăng 2% tại Busan, 15% tại Daegu.

Đáng chú ý, Chính phủ Hàn Quốc đang lo ngại dòng tiền chảy mạnh vào thị trường bất động sản khi nhiều chương trình hỗ trợ đại dịch được thực hiện và lãi suất đang ở mức thấp. Cung tiền M2 tăng 9,1% trong tháng 4 so với cùng thời gian năm 2019, mức nhanh nhất kể từ năm 2015 tới nay khi Chính phủ mở rộng gói vay dành cho doanh nghiệp chịu tổn thất vì dịch, đồng thời phát tiền mặt cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng.

Kim Jin-myoung, nhà kinh tế tại Hanwha Investment & Securities Co cho biết, hiện tại, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) không thể làm được gì nhiều. Không thể nâng lãi suất để hạn chế dòng tiền vào thị trường bất động sản trong khi tăng trưởng kinh tế đình đốn vì đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, Thống đốc BOK Lee Ju-yeol liên tục lặp lại thông điệp sẽ giữ chính sách tiền tệ phù hợp cho tới khi nền kinh tế phục hồi sau dịch. Biên bản phiên họp mới nhất vào tháng 5/2020 cũng cho thấy, đa phần các thành viên hội đồng đồng thuận với quyết định hạ lãi suất hỗ trợ tăng trưởng, dù nhận thức được rủi ro gây bất ổn thị trường bất động sản.

Năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định, chính phủ của ông sẽ không sử dụng thị trường bất động sản như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hoàn cảnh trở nên khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 diễn ra gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Theo nhiều dự báo, tăng trưởng GDP năm 2020 của Hàn Quốc sẽ giảm lần đầu tiên kể từ cuối năm những 1990 tới nay.

Trong nhiệm kỳ tổng thống trước, hoạt động đầu tư xây dựng luôn là một trong những trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế, cùng với chính sách nới lỏng tại thị trường bất động sản. Xu hướng này đã đảo ngược trong những năm gần đây khi các quy định được thắt chặt và nguồn cung bất động sản cũng được điều chỉnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục