Bất động sản thương mại Anh đình trệ, các chủ đất khốn đốn

(ĐTCK) Trong tuần trước, các chủ đất/chủ bất động sản thương mại cho thuê tại Anh đã trải qua những ngày không lấy làm dễ chịu, khi chỉ khoảng một nửa trong số những khách thuê có thể trả được tiền đúng hạn, bởi tác động của đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động đều đình trệ.
Bất động sản thương mại Anh đình trệ, các chủ đất khốn đốn

Tháng 6 kết thúc cũng là thời điểm người thuê theo thời hạn 3 tháng phải trả tiền thuê nhà, không gian thương mại. Đây là 1 trong 4 thời điểm thu tiền thuê trong năm theo thường lệ, với tổng số tiền dự kiến phải thu vào khoảng 2,5 tỷ bảng anh.

Lần thu đầu tiên vào cuối tháng 3, thời điểm các lệnh giãn cách, phong toả mới được áp dụng, các doanh nghiệp/người thuê nhà vẫn có thể xoay sở để thanh toán đủ. Hiện tại, chỉ khoảng một nửa các khách thuê bất động sản thương mại (bao gồm nhà ở, bán lẻ, nhà hàng, quán bar…) có thể thanh toán.

Một số chuỗi bán lẻ nổi tiếng nước Anh như Primark, Boots và JD Sports đã không thể trả tiền thuê diện tích bán lẻ. Theo đó, JD Sports đã tiến hành thảo luận với các chủ đất kể từ tháng 3/2020 nhằm tìm cách giảm bớt chi phí thuê. Tuy nhiên, kết quả chưa rõ ràng và doanh nghiệp này chưa thể thanh toán tiền trong tháng 6.

Tương tự, người phát ngôn Boots UK cho biết, hãng đã thương lượng giá thuê không gian bán lẻ, cũng như các loại phí dịch vụ khác với một số chủ đất lớn nhất. Đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh đóng băng, trong khi người dân phải chấp hành các quy định giãn cách.

“Chúng tôi phải nhận được sự đồng thuận từ rất nhiều chủ đất và việc thảo luận vẫn đang diễn ra. Đây là lý do Boots UK trì hoãn thanh toán một số khoản”, người phát ngôn Công ty cho biết.

Ian Wilkinson, luật sư bất động sản, đối tác của hãng luật Osborne Clarke chia sẻ, một số chủ đất sẽ nhận được số tiền cho thuê chưa tới 20% so với số đáng được nhận. Con số thực tế sẽ có nhiều chênh lệch tuỳ thuộc vào từng phân khúc. Trong đó, nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ sẽ có khả năng tài chính mạnh hơn. Đáng chú ý, vị luật sư này đánh giá, sẽ có chưa tới 30% khách thuê không gian bán lẻ có thể thanh toán tiền đúng hạn

Trong khi đó, Ramzi Kattan, chiến lược gia bất động sản tại hãng xếp hạng Moody’s Investors Service cho rằng, các chủ đất sẽ đối diện thực tế tàn khốc, khi đa phần không thể thu nổi một nửa số tiền cho thuê đến hạn.

“Dòng tiền mặt yếu, khách thuê đều trong cảnh khốn cùng, nhu cầu thuê giảm xuống trước tác động từ đại dịch… Tất cả sẽ tạo nên môi trường đầy khắc nghiệt đối với các chủ đất”, Ramzi Kattan cho biết.

Trong khi các chủ đất chấp nhận “đau khổ”, các nhà băng tại Anh cũng đang ngồi trên đống lửa, khi con nợ rơi vào tình cảnh khó có khả năng trả nợ. Mới đây nhất, Intu Properties Plc, một nhà phát triển bất động sản nhỏ tại Anh trở thành doanh nghiệp bất động sản đầu tiên lên tiếng yêu cầu được ân hạn khẩn cấp bởi hoạt động sản xuất – kinh doanh chịu tác động mạnh từ đại dịch. Intu đang có số nợ lên tới 4,5 tỷ bảng anh, đa phần số này được đảm bảo bằng bất động sản.

Trước yêu cầu từ Intu, Barclays, HSBC, Bank of America Corp và Credit Suisse Group AG đã cùng cung cung khoản vay khoảng 600 triệu bảng Anh để doanh nghiệp có thể xoay vòng tiền.

Barclays Plc, HSBC Holdings Plc, Royal Bank of Scotland Group Plc và Lloyds Banking Group Plc đang cho vay khoảng 49,3 tỷ bảng anh (61 tỷ USD) đối với các khách hàng bất động sản thương mại tính tới cuối năm 2019, theo số liệu được công khai từ các nhà băng.

Trong số đó, HSBC Holdings là ngân hàng sở hữu khối nợ bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ (chiếm 1/5 tổng nợ). Tính tới cuối năm ngoái, ngân hàng này cho vay 21,9 tỷ USD các khoản nợ bất động sản thương mại và doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, khoảng 948 triệu USD được xếp vào nợ nhóm 3 - trong tình trạng vỡ nợ, hoặc khó thu hồi. 3 tỷ USD là nợ nhóm 2 - có các rủi ro tín dụng cao.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục