
Lệnh cấm bán khống của Hàn Quốc được đưa ra vào tháng 11/2023 sau một loạt các vụ vi phạm bán khống liên quan đến nhiều ngân hàng đầu tư toàn cầu.
Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC), hoạt động bán khống đối với khoảng 2.700 cổ phiếu được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc sẽ được khôi phục hoàn toàn từ ngày 31/3/2025. Trước đây, bán khống chỉ được áp dụng đối với 350 cổ phiếu thuộc chỉ số Kospi và Kosdaq vốn hóa nhỏ.
Không giống như các quy định cấm bán khống trước đây, lệnh cấm mới nhất phần lớn được thúc đẩy bởi các lý do về mặt quản lý và nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân.
Các quy định cấm bán khống trước đây ở Hàn Quốc diễn ra từ: Tháng 10/2008 đến Tháng 5/2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; Tháng 8/2011 đến Tháng 11/2011 trong cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu; Tháng 3/2020 đến Tháng 5/2021 trong đại dịch Covid.
Theo các nhà phân tích từ Macquarie, trong khi các quy định cấm bán khống trước đó nhằm mục đích ổn định thị trường tài chính, thì quy định trong năm 2023 nhắm vào các cải cách hệ thống để cải thiện khả năng tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân.
Các hình phạt đối với hành vi bán khống đã được tăng cường đáng kể, trong đó Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc đã đưa ra một hệ thống có thể phát hiện hành vi bán khống mà không vay cổ phiếu trước hoặc đảm bảo rằng tài sản đó có thể được vay, hoạt động này được xem bất hợp pháp ở Hàn Quốc.
Các khoản tiền phạt đối với lợi nhuận bất hợp pháp cũng đã được tăng lên và các biện pháp thực thi đã được thắt chặt. Lợi nhuận mang lại từ 5 tỷ won (3,4 triệu USD) trở lên có thể dẫn đến án tù từ 5 năm đến chung thân.
Vấn đề gây tranh cãi về mặt chính trị?
Bán khống đã trở thành vấn đề gây tranh cãi ở Hàn Quốc, với nhóm nhà đầu tư cá nhân đông đảo của nước này cho rằng, hoạt động này là nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu xuống thấp.
"Các nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 50% khối lượng giao dịch trên thị trường, khiến thị trường chứng khoán địa phương trở thành vấn đề chính trị quan trọng đối với chính phủ Hàn Quốc", Peter Kim, Giám đốc điều hành của KB Securities cho biết.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bị vướng vào lệnh cấm bán khống và một số ngân hàng đầu tư toàn cầu đã bị phạt. Mới đây nhất là vào tháng 2, Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS) đã phạt một số ngân hàng đầu tư lớn như JPMorgan và Morgan Stanley vì vi phạm các quy tắc bán khống.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường Hàn Quốc.
Ông Kim cho biết, việc cho phép bán khống trở lại sẽ mang lại những tác động tích cực cho toàn bộ thị trường và các nhà đầu tư, tính thanh khoản bổ sung của thị trường sẽ khuyến khích nhiều quỹ đầu cơ tham gia hơn và tăng cường tính minh bạch của thị trường.
“Giá trị được thiết lập để vượt trội hơn tăng trưởng. Đây là một lý do khác khiến chúng tôi tin rằng việc tiếp tục bán khống có thể sẽ trung tính đến tích cực đối với thị trường nói chung”, các nhà phân tích của Macquarie cho biết.
Goldman Sachs cũng dự đoán thanh khoản từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn khi hoạt động bán khống được tiếp tục, với khoảng 70% tổng số hoạt động bán khống do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
“Sau khi được tiếp tục, các hoạt động bán khống sẽ cải thiện hiệu quả thị trường và phát hiện giá, mang lại cơ hội cho chiến lược đầu tư tập trung vào lợi nhuận vượt trội của khoản đầu tư so với lợi nhuận kỳ vọng khi xét đến mức độ rủi ro”, Goldman Sachs cho biết.