Ra mắt hợp đồng khung giao dịch repo
Tuy có sự phát triển sôi động trong thời gian gần đây, nhưng thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) vẫn chưa như kỳ vọng của các thành viên thị trường. Theo cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trên thị trường sơ cấp, trong tháng 2/2019, tổng lượng vốn huy động được qua kênh TPCP chỉ đạt 18.850 tỷ đồng, giảm 48% so với tháng 1/2019.
Thanh khoản cũng suy giảm trên thị trường thứ cấp. Theo đó, trong tháng 2/2019, tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 68.000 tỷ đồng; giao dịch theo phương thức mua bán lại (repo) đạt hơn 76.700 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 6,2% so với tháng 1/2019… Trước đó, chốt năm 2018, thanh khoản trên thị trường TPCP giảm 1% so với năm 2017.
Để cải thiện thanh khoản cho thị trường, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao dịch repo của các thành viên thị trường tăng cao, nhất là các giao dịch lớn, sau thời gian dài chuẩn bị, Hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo vừa được công bố tại Hội nghị thường niên 2018 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA, hệ thống ngân hàng hiện nắm giữ gần 1 triệu tỷ đồng TPCP, nên nhu cầu giao dịch repo ngày càng lớn. Do đó, ngày 12/3, sự kiện VBMA công bố và tổ chức ký biên bản ghi nhớ triển khai mẫu Hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo cho thị trường trái phiếu Việt Nam giữa các thành viên thị trường là một dấu mốc phát triển quan trọng.
“Với tốc độ luân chuyển vốn lớn như hiện nay, việc mỗi ngân hàng áp dụng mẫu hợp đồng giao dịch khác nhau sẽ khiến chí phí giao dịch tăng lên, tốn nhiều thời gian, thậm chí các bên sẽ không tìm được tiếng nói chung trong các giao dịch… Điều này sẽ khiến cho tốc độ luân chuyển vốn trên thị trường chậm lại. Như vậy, việc ra đời Hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo tại Việt Nam sẽ giúp chuẩn hóa các giao dịch trên thị trường, tiết kiệm thời gian và chi phí. Từ đó giúp tăng khối lượng giao dịch và khả năng vận hành của thị trường. Vì Hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo tiếp cận các chuẩn mực quốc tế nên sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu Việt Nam”, ông Quỳnh cho hay.
Cũng theo đại diện VBMA, Hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo là một sản phẩm quan trọng đối với các giao dịch trái phiếu. Ở nhiều thời điểm phát triển của thị trường, giao dịch repo thường chiếm từ 50 - 70% khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Như vậy, repo là tài sản có vai trò quan trọng trong việc gia tăng luân chuyển dòng vốn trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường liên ngân hàng. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam càng ngày càng tăng. Với khối lượng giấy tờ có giá các ngân hàng đang nắm giữ ngày càng lớn, thì nhu cầu giao dịch repo càng ngày càng lớn và repo là giao dịch sẽ được các bên ưu tiên sử dụng đầu tiên.
Lãnh đạo VBMA cho biết, dự kiến trong quý II/2019, Hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo sẽ được đưa vào vận hành, đáp ứng mong đợi của các thành viên thị trường.
Tham vọng lọt vào chỉ số thị trường trái phiếu mới nổi toàn cầu
Cùng với những chuyển động từ phía các thành viên thị trường, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đang triển khai nhiều giải pháp tiếp sức cho sự phát triển chuyên nghiệp, hiệu quả của thị trường trái phiếu trong năm nay cũng như giai đoạn tới.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Thị trường tài chính, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, trong năm nay, ngoài triển khai Hợp đồng tương lai TPCP, trên thị trường sơ cấp, cơ quan quản lý tập trung chỉ đạo phát hành đều đặn TPCP với các kỳ hạn chuẩn theo đúng lịch biểu; tiến hành mua lại, hoán đổi trái phiếu, tái cơ cấu danh mục nợ trong nước của Chính phủ.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành, cũng như bám sát diễn biến của thị trường để phối hợp giữa công tác phát hành trái phiếu và điều hành chính sách tiền tệ ngày càng hiệu quả hơn. Tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư TPCP của tổ chức bảo hiểm xã hội trên thị trường sơ cấp theo hướng tập trung đầu tư vào TPCP được đưa ra đấu thầu.
“Trong năm nay, cơ quan quản lý sẽ rà soát toàn bộ các chính sách liên quan tới đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có chính sách đầu tư vào TPCP và trái phiếu doanh nghiệp, trên cơ sở đó có những sửa đổi theo hướng ưu tiên đầu tư vào TPCP và trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm cao”, bà Tâm cho hay.
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ thị trường thứ cấp phát triển, theo đại diện Bộ Tài chính, trong năm 2019, nhà quản lý sẽ tập trung triển khai hệ thống nhà tạo lập thị trường TPCP với đầy đủ nghĩa vụ, quyền lợi. Cơ quan quản lý tăng cường tổ chức tham vấn các nhà tạo lập thị trường để nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư. Khác với cách thức tham vấn, trao đổi với các thành viên thị trường như mọi năm, trong năm 2019, trên cơ sở danh sách thành viên tạo lập thị trường như công bố, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước sẽ trao đổi với các nhà tạo lập thị trường.
Tại thời điểm thị trường có biến động, hoặc thành viên thị trường có đề xuất, Bộ Tài chính sẽ tổ chức thêm các cuộc làm việc, trao đổi giữa nhà quản lý và các thành viên thị trường. Qua đó giúp cho cơ chế này ngày càng vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Tiếp tục rà soát các cơ chế hiện hành để đưa ra giải pháp nhằm tăng thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Trong đó có rà soát để sửa đổi chính sách về hoạt động đầu tư của các định chế đầu tư là bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp bảo hiểm.
“Nghiên cứu và đánh giá khả năng đưa TPCP Việt Nam vào chỉ số thị trường trái phiếu mới nổi toàn cầu của một số tổ chức quốc tế có uy tín, nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như một số định chế đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới”, bà Tâm nói.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, trên cơ sở đánh giá hiện trạng phát triển của thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp… tập hợp, đánh giá báo cáo Chính phủ tình hình thị trường trái phiếu năm 2018, đề xuất kế hoạch năm 2019 theo đúng quy định.
Thêm ACB, thị trường trái phiếu có 13 nhà tạo lập thị trường
Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đã từng bước được đa dạng hóa, với sự tham gia mạnh mẽ của các công ty bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm xã hội.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam
Cơ cấu nhà đầu tư có sự chuyển dịch mạnh mẽ, khi vào cuối năm qua, khối công ty bảo hiểm vươn lên đứng đầu về thị phần mua, chiếm hơn 66,4% tỷ trọng trúng thầu của toàn thị trường. Đầu năm 2019, một tin vui với thị trường là có thêm Ngân hàng ACB trở thành nhà tạo lập thị trường, qua đó nâng tổng số nhà tạo lập thị trường lên 13 thành viên.
Cùng với số lượng nhà tạo lập thị trường tăng, việc Hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo cho thị trường trái phiếu Việt Nam dự kiến sẽ được triển khai vào quý II/2019 sẽ giúp thị trường trái phiếu phát triển tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, qua đó hỗ trợ thị trường gia tăng thanh khoản, tiếp tục đa dạng hóa các thành viên tham gia thị trường như: Công ty chứng khoán, tổ chức tài chính phi ngân hàng, các doanh nghiệp...
Để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý và thành viên thị trường trái phiếu, thời gian tới VBMA tập trung vào 4 mảng việc chính gồm:
Hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường; phát triển thị trường thông qua hỗ trợ triển khai và áp dụng thông lệ chuẩn mực của các thị trường phát triển; tổ chức các khóa đào tạo giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng giao dịch cho các thành viên; tăng cường hợp tác quốc tế góp phần quảng bá và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam.