Gọi vốn qua trái phiếu: Cơ hội chưa công bằng

(ĐTCK) Chỉ ngân hàng, doanh nghiệp niêm yết, các công ty chứng khoán lớn mới có cơ hội thành công trong phát hành trái phiếu là câu chuyện bấy lâu nay. Các doanh nghiệp nhỏ, ít tên tuổi có loay hoay mấy cũng vẫn khó tìm vốn qua kênh trái phiếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện cơ chế chưa mở cơ hội công bằng.
Gọi vốn qua trái phiếu: Cơ hội chưa công bằng

Vốn mới chọn chảy vào Doanh nghiệp lớn

Nhìn lại “chợ” trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2018, điều dễ nhận ra là những người “đi chợ” bán được hàng chủ yếu là các ngân hàng, doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán lớn.

Chỉ tính riêng trong tháng 12/2018, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB - HOSE) đã 2 lần huy động vốn thành công qua phát hành trái phiếu. Theo đó, ngày 4/12/2018, VCB huy động được 50,8 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu (kỳ hạn 6 năm) riêng lẻ.

Hơn hai tuần sau đó (ngày 20/12), cũng với phương thức phát hành và kỳ hạn trái phiếu tương tự, VCB huy động được 95,2 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu mà VCB phát hành thành công trong cả hai đợt này đều là 7,252%/năm.

Gần trùng thời điểm VCB bán được hàng, “gã hàng xóm” - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID - HOSE) gây chú ý khi thành công trong việc huy động được lượng vốn lớn qua kênh trái phiếu.

Theo đó, trong ngày 18/12/2018, thông qua phương thức phát hành ra công chúng, ngoài huy động thành công 3.579 tỷ đồng loại trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, BID còn huy động được 1.006 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 10 năm. Đáng chú ý đây đều là các loại trái phiếu trơn, không có tài sản đảm bảo…

Danh sách các ngân hàng thành công trong huy động vốn qua phát hành trái phiếu thời gian qua còn nối dài với những cái tên như: Ngân hàng Á Châu (ACB - HNX), Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG - HOSE)… Bên cạnh các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán lớn như: Vingroup (VIC - HOSE), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI - HOSE), Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM - HOSE)… cũng là những doanh nghiệp huy động vốn thành công qua kênh trái phiếu.

Trong khi các ngân hàng, doanh nghiệp lớn gần như cứ “vào chợ” là bán được trái phiếu thì những doanh nghiệp ít tên tuổi dù cố “trưng biển” rao bán trái phiếu nhiều lần, nhưng phải lùi hết lần này đến lần khác.

Đã được các kỳ đại hội đồng cổ đông năm 2017 - 2018 thông qua phương án phát hành trái phiếu, nhưng đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API - HNX) vẫn chưa thành công trong việc gọi vốn qua kênh này. Hay Công ty cổ phần Chứng khoán IB (VIX - HNX) dự kiến bán 200 tỷ đồng trái phiếu trong quý IV/2018, nhưng do chưa thành công, nên mới đây lại lên phương án triển khai trong quý I/2019…

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, quy mô thị trường còn nhỏ bé, khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm 2018 đạt khoảng 7% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân các nước khu vực (21% GDP). Điều này khiến cho thị trường này chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng.

Một trong những hạn chế được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra khi phát biểu tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán Xuân Kỷ Hợi năm 2019 mới đây là quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Thủ tướng đốc thúc ngành chứng khoán sớm xây dựng một thị trường mới cho trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp gọi vốn trung và dài hạn qua kênh này.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp chậm phát triển, dẫn đến doanh nghiệp khó tìm đến kênh này ngoài việc bản thân doanh nghiệp chưa đủ uy tín để gọi vốn, còn do nhà đầu tư chưa đa dạng, thị trường kém minh bạch, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện phát hành…

Những vướng mắc trên đã có hướng tháo gỡ tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/2/2019. Tuy nhiên, do đến nay chưa có văn bản hướng dẫn nghị định này, nên doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khi muốn phát hành trái phiếu. 

Khoảng hụt văn bản hướng dẫn

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngoài sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước trong ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 163/2018/NĐ-CP cho các ngân hàng phát hành trái phiếu, thì Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần nhanh chóng xây dựng văn bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Về phía cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng, để phù hợp với nhiều nội dung mới tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 34/2013/TT-NHNN quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, về nguyên tắc phát hành trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, tổ chức tín dụng phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10, Điều 11, Nghị định 163/2018/NĐ-CP.

Riêng điều kiện phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành như nêu tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP, thì tổ chức tín dụng phải tuân thủ quy định tại Khoản 1, Điều 130, Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Với việc phát hành trái phiếu ra công chúng, tổ chức tín dụng phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 12, Luật Chứng khoán; Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 18, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận việc phát hành trái phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng trên cơ sở phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài hướng dẫn tổ chức tín dụng mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu phát hành riêng lẻ, Ngân hàng Nhà nước còn hướng dẫn về chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền mua cổ phiếu đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền.

Theo đó, dự thảo Thông tư bỏ các quy định có liên quan đến phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền và việc chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ khi xem xét phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền của tổ chức tín dụng.

Về thủ tục chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra công chúng, dự thảo Thông tư quy định, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh các tổ chức tín dụng sắp có hành lang pháp lý đồng bộ cho gọi vốn qua kênh trái phiếu, các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán… trông đợi Bộ Tài chính, UBCK sớm công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo các quy định mới tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP.

Đại diện UBCK cho biết, việc xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 163/2018/NĐ-CP do Bộ Tài chính chủ trì. Cùng với công việc này, UBCK đang phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng thành lập sàn giao dịch trái phiếu do một Sở giao dịch chứng khoán quản lý.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục