Hai thái cực chính sách tiền tệ trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng trung ương các nước có những phản ứng khác nhau trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng bất ngờ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi lập trường chính sách.
Hai thái cực chính sách tiền tệ trên thế giới

Sau cuộc họp chính sách tháng 6, Fed bất ngờ phát đi thông điệp sẽ tăng lãi suất 2 đợt cho đến cuối năm 2023, sớm hơn một năm so với dự báo hồi tháng 3, trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục nhanh chóng.

Kinh tế Mỹ bùng nổ hỗ trợ kinh tế toàn thế giới bằng cách tăng cường nhập khẩu và tăng hoạt động kiều hối. Dù vậy, mặt trái là chi phí vay, lạm phát và giá USD cũng tăng cao.

Giai đoạn lạm phát tăng sẽ chỉ là tạm thời. Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn là thông điệp xuyên suốt.

Lo sợ bị ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ tăng nóng, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang chăm chú theo dõi từng đường đi nước bước của Fed.

Quy mô của nền kinh tế Mỹ và tầm quan trọng của thị trường tài chính nước này khiến các quyết định của Fed ảnh hưởng rất lớn đến các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu. Với việc lạm phát tăng vọt và Fed bắt đầu thay đổi hướng đi, một số ngân hàng trung ương có những toan tính mới.

Ngân hàng Trung ương Brazil thông báo lần thứ ba liên tiếp tăng lãi suất 0,7%/năm, đồng thời phát đi tín hiệu sắp tới có thể tăng mạnh hơn sau khi lạm phát của nước này tăng lên trên 8%/năm.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất 3 lần do tỷ lệ lạm phát đã tăng lên hơn 6% trong tháng 6, mức cao nhất trong gần 5 năm trở lại đây. Theo Thống đốc Elvira Nabiullina, Nga sẽ tiếp tục tăng lãi suất với dự đoán tăng trưởng kinh tế không bị ảnh hưởng.

Ngân hàng Trung ương Mexico ngày 24/6 tuyên bố tăng lãi suất cơ bản từ 4,0%/năm lên 4,25%/năm nhằm ứng phó với tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao.

Đối với các nước đang phát triển, hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu, vì thế các nhà hoạch định chính sách sẽ phải hành động nhanh hơn khi lạm phát xuất hiện.

Cùng thời điểm, Hàn Quốc công bố kế hoạch thắt chặt tiền tệ để hạn chế khả năng phát sinh bong bóng tài sản, đặc biệt là bất động sản. Hôm 17/6, Ngân hàng Trung ương Na Uy công bố dự định sẽ tăng lãi suất vào tháng 9.

Dù vậy, ở các nền kinh tế phát triển hơn, các ngân hàng trung ương lại tin rằng, giai đoạn lạm phát tăng sẽ chỉ là tạm thời. Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn là thông điệp xuyên suốt.

Đầu tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tái khẳng định lập trường giữ nguyên chính sách tiền tệ. Sau thông điệp tăng lãi suất sớm hơn dự kiến của Fed, ECB vẫn kiên quyết rằng, chưa đến lúc xem xét rút lại chính sách hỗ trợ.

“Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến khi người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. ECB sẽ duy trì chính sách nới lỏng”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết.

Trong khi đó, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sau cuộc họp hôm 24/6 cũng đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách và cho biết, lạm phát có thể vượt mốc 3% khi nền kinh tế Anh mở cửa trở lại, nhưng việc tăng cao hơn lạm phát mục tiêu 2% sẽ chỉ là tạm thời. Hầu hết các quan chức của BOE đều ủng hộ việc duy trì chính sách nới lỏng.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách của BOE đang tập trung hỗ trợ hàng triệu công dân thất nghiệp sau các đợt phong tỏa vì Covid-19 buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. BOE dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp sẽ chạm 5,4% trong quý III/2021 trước khi giảm trở lại dưới 5% vào năm tới.

Ở một góc độ khác, quyết định của Fed được cho là sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). PBoC đã bắt đầu phát tín hiệu chuyển hướng khỏi các gói kích thích tiền tệ trong thời kỳ dịch bệnh từ cuối năm ngoái, thời điểm nhiều nước vẫn đang chật vật phục hồi sau suy thoái.

“Ngay cả khi Fed bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt chính sách, PBoC vẫn sẽ đi theo lập trường của riêng mình, vì ngân hàng trung ương này đã bắt đầu trở về trạng thái bình thường”, Ding Shuang, nhà kinh tế tại Standard Chartered nhận định.

Theo Bloomberg, đối với PBoC, sự dịch chuyển của Fed cũng có thể là một điều đáng mừng, bởi Trung Quốc đang phải ứng phó với sự tăng giá của đồng nhân dân tệ.

“Tôi không cho rằng lập trường “diều hâu” của Fed sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Bắc Kinh. Thay vào đó, với những trở ngại về tăng trưởng thời gian gần đây, PBoC sẽ chỉ điều chỉnh nhẹ lập trường lãi suất tại cuộc họp tháng 7 tới”, Robin Xing, nhà kinh tế tại Morgan Stanley nhận định.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục