Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 khi “đối mặt” với Virus Corona

Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và kiểm soát trong quý II, tăng trưởng giảm còn 6,09%. Cả 2 kịch bản này đều thấp hơn so với mục tiêu 6,8% được Chính phủ và Quốc hội đề ra cho năm nay.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh:Tuổi trẻ) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh:Tuổi trẻ)

Các kịch bản tăng trưởng đều đặt ra thách thức lớn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trao đổi về các phương án kịch bản tăng trưởng năm 2020 trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus Corona, dự kiến mức độ tác động của dịch đối với tăng trưởng kinh tế trên cơ sở dữ liệu của tháng 1.

Theo các số liệu tổng hợp và tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona “là rất nghiêm trọng”.

“Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, tăng trưởng giảm còn 6,09%”, ông Phương cho hay.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, với các kịch bản này, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng cho hay, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ 5/2, Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng. Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng lý giải, đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế.

Thứ trưởng Phương khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát thường xuyên phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 khi “đối mặt” với Virus Corona ảnh 1

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/2

Đã tính đến gói hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 gói giải pháp để khắc phục tác động của dịch cúm đến tăng trưởng.

Thứ nhất, trong bối cảnh dịch đang diễn ra thì tập trung ưu tiên vào các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch vì đây là thời điểm chúng ta cần dành sức lực, nguồn lực kiểm soát dịch.

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị gói giải pháp thứ hai là giải pháp khắc phục thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

“Các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lực chúng ta có bao nhiêu và chúng ta hỗ trợ đối tượng nào, đây là giải pháp cũng cần tính toán”, ông Phương nói.

Ngoài ra, một giải pháp khác cũng được ông Phương nhắc đến là Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Năm nay có nhiều đổi mới về mặt thủ tục, quy định; do vậy khả năng giải ngân có tốt hay không phụ thuộc vào việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Phương nói.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục