Ngày 21/9, với 220 phiếu thuận và 211 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép các cơ quan liên bang của Mỹ duy trì hoạt động đến ngày 3/12 cũng như tránh để xảy ra nguy cơ đóng cửa chính phủ vào cuối tháng này, bất chấp việc dự luật này có thể không được Thượng viện chấp thuận.
Dự luật tạm thời được các Hạ nghị sỹ của đảng Dân chủ đưa ra, được biết đến với tên gọi "giải pháp duy trì", bao gồm việc đình chỉ áp đặt mức trần nợ công của Mỹ cho đến sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. Theo đảng Dân chủ, biện pháp này cho phép nền kinh tế đầu tàu thế giới tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái.
Tuy nhiên, các Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa cho rằng dự luật chi tiêu của đảng Dân chủ vượt ra ngoài tầm quyển soát, đồng thời cam kết sẽ bỏ phiếu chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm nâng mức trần nợ. Không một nghị sỹ nào của phe Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu cho "giải pháp duy trì."
Dự luật bao gồm 28,6 tỷ USD tiền hỗ trợ thảm họa cho các bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa, bão và cháy rừng, cùng khoản tiền trị giá 6,3 tỷ USD để hỗ trợ việc tái định cư cho người Afghanistan sơ tán sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul.
Về lý thuyết, biện pháp này sẽ giúp các nghị sỹ có thời gian đàm phán các hóa đơn chi tiêu cả năm cho tài khóa 2022. Tuy nhiên, dư luận cho rằng gần như chắc chắn dự luật này sẽ không qua khỏi "ải" Thượng viện.
Hiện đảng Dân chủ chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ, song tỷ lệ chênh lệch thấp tại Thượng viện. Điều này có nghĩa là đảng Dân chủ vẫn cần sự ủng hộ của một số Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa để đạt số phiếu cần thiết 60/100 nhằm thông qua dự luật trên.
Phát biểu trước phiên bỏ phiếu, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đã đề nghị các nghị sỹ của đảng Cộng hòa ủng hộ "giải pháp duy trì."
Cả ông Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều cho rằng việc nâng mức trần nợ công chỉ đơn giản là giúp chính phủ trang trải các khoản chi tiêu như đã cam kết, trong đó có khoản hỗ trợ đại dịch COVID-19, được 2 đảng ủng hộ.
Mức trần nợ là tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có, trong đó có an sinh xã hội và phúc lợi y tế, cùng nhiều khoản khác.
Trong khuôn khổ thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng, được ban hành vào tháng 8/2019, Quốc hội Mỹ đã đình chỉ áp dụng mức trần nợ công đến hết ngày 31/7 vừa qua. Sau khi mức trần nợ được khôi phục vào ngày 1/8, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng "các biện pháp bất thường" để tiếp tục cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ.