Vẫn chậm so với kế hoạch
Đối với việc di dời trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tổ chức lập lại đồ án quy hoạch Hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể đóng tại Hà Nội. Dựa trên 4 tiêu chí về vị trí; đất đai; cơ sở vật chất; hạ tầng hỗ trợ để thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 6 cơ quan Trung ương các đoàn thể).
Trong đó, 8 bộ, ngành đã và đang thực hiện xây dựng trụ sở ở vị trí mới, đơn cử như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ… Có 16 cơ quan ổn định vị trí, cải tạo xây dựng tại chỗ là các bộ, ngành có yều cầu đặc thù đã có cơ sở vật chất ổn định, đáp ứng được điều kiện làm việc như: Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban quản lý Lăng Hồ Chí Minh… 13 cơ quan dự kiến di dời xây dựng mới tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì như: Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương…
Tuy nhiên, công tác di dời trụ sở y tế, quy hoạch hệ thống cơ sở y tế, bệnh viện Trung ương chưa được Bộ Y tế triển khai, lấy ý kiến Thành phố, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hạ tầng xung quanh những bệnh viện lớn luôn trong tình trạng quá tải
Về vấn đề này, UBND TP. Hà Nội cho biết, địa phương có chủ trương không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, không tăng giường bệnh như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức…).
Chính quyền Hà Nội cũng cho biết, đã phối hợp giới thiệu địa điểm để bố trí đất thực hiện di dời 9 cơ sở bệnh viện đơn cử như Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện K, Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương…
Bên cạnh đó, quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động thương binh và Xã hội triển khai. Theo quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội, địa phương này đã bố trí quỹ đất các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Chúc Sơn, Phú Xuyên.
Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015, UBND TP. Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì về công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch, giao Sở Công thương chủ trì lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Theo số liệu từ UBND TP. Hà Nội, từ năm 2013 đến nay, Thủ đô có 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 34,6 ha. Trong đó, diện tích xây dựng nhà ở 14,2 ha, diện tích đất trường học 4,0 ha, đất hạ tầng kỹ thuật 15,0 ha, diện tích đất thương mại, dịch vụ 1,1 ha.
Nút thắt cần gỡ
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tiến độ thực hiện việc di dời còn chậm. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã di dời ra bên ngoài, nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã và đang thực hiện xây dựng cơ sở 2 tại khu vực ngoại thành và tại các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội (Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ); nhiều trường đại học đã được lập dự án xây dựng cơ sở 2 tại các địa phương, đô thị vệ tinh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc hay khu vực Láng Hòa Lạc.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, các cơ quan liên quan chưa chủ động phối hợp thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các quy hoạch chuyên ngành chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cac cơ sở ra khỏi khu vực nội thành.
Tiến độ triển khai các các dự án di dời (bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc) chậm hơn mong muốn do nhu cầu nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn vừa qua rất khó khăn. Do đó, các dự án đều trong tình trạng dang dở, chưa hoàn thành, chưa đóng góp giảm tải cho khu vực nội đô.
Những bước đi cần thiết
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội (VIUP) cho biết, việc thực hiện di dời, chuyển đổi cơ quan cũ, không hợp lý trong khu vực nội đô là quá trình vận động đương nhiên của phát triển đô thị, không chỉ thực hiện ở Hà Nội và TP.HCM. Đây còn là nhu cầu của các thành phố lớn trên địa bản cả nước.
“Việc di dời phải đáp ứng mục tiêu như: Tạo môi trường làm việc tốt hơn cho ngành và lĩnh vực; tạo cơ hội sắp xếp lại hoạt động đô thị; khai thác quỹ đất, công trình sau chuyển đổi cho các mục đích công. Mặt khác, đề án di dời phải được nghiên cứu từ tổng thể (quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết) đến các bước triển khai cụ thể (dự án đầu tư) mới đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, sử dụng quỹ đất, công trình sau di dời cho mục đích tái cấu trúc đô thị, ưu tiên cân đối cho các mục tiêu công cộng”, ông Phương nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, TP. Hà Nội cần dùng các nguồn lực, cơ chế của mình để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng các địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung. Bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng cách gắn trách nhiệm của các cơ sở di dời theo hướng tự chủ để có thể huy động đa dạng nguồn lực xã hội, hợp tác đầu tư, phát triển dự án.
Đặc biệt, cần hạn chế tư duy sử dụng cơ sở cũ để chuyển đổi tạo nguồn vốn đầu tư. Bởi, với phương pháp này, các quỹ đất chuyển đổi đã được các nhà đầu tư biến thành các tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian qua, sẽ gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô.
Với những giải pháp sử dụng cơ sở cũ, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, cần thực hiện theo nguyên tắc không được chất tải thêm đối với hạ tầng đô thị, không thu hút thêm dân số, lao động so với trước đây. Việc này cần thực hiện đúng mục tiêu ban đầu là di dời nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, mang lại hiệu quả tối ưu cho đô thị Hà Nội.
Trực tiếp trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV hồi tháng 5 vừa qua, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố còn 117 công trình, dự án tiếp tục phải di dời. Điều đó đặt ra trách nhiệm rất lớn, bởi nếu không di dời sẽ không bảo đảm môi trường, không gian văn minh cho thủ đô. Đối với các dự án cụ thể như Bệnh viện 09, Thành phố đã đưa vào kế hoạch di dời đến năm 2020 để trình Chính phủ phê duyệt. Riêng đối với Nhà máy Pin Văn Điển, Nhà máy Phân lân Văn Điển…, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, đánh giá để báo cáo Thành phố phương án xử lý tối ưu.
Được biết, trước những vấn đề trên, mới đây UBND TP. Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với thành phố và các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh các quy hoạch ngành, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời; đồng thời có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài nội thành để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com