Là đơn vị được giao nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công sản, ông đánh giá ra sao về tình trạng nhiều bộ, ngành đã chuyển sang trụ sở mới, nhưng vẫn không trả lại trụ sở cũ?
Cơ quan, đơn vị nào được đầu tư xây trụ sở mới, xây ở đâu, xây bao giờ, chuyển đến trụ sở mới bao giờ, chúng tôi đều biết rất rõ. Ở địa phương, tôi tin rằng, các Sở Tài chính cũng biết rất rõ việc này.
Nói chung, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản công biết hết, nhưng không có chức năng, nhiệm vụ thu hồi trụ sở cũ, vì việc bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới, thu hồi trụ sở cũ thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2018, cơ quan, đơn vị đã được bố trí trụ sở mới, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, định mức về diện tích làm việc, diện tích sử dụng chung, diện tích đặc thù, thì buộc phải trả lại trụ sở cũ.
Ông có thể nói rõ hơn về quy định thu hồi trụ sở cũ?
Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, trước khi quyết định giao, thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, thu hồi đất phải có văn bản gửi Bộ Tài chính (trụ sở của cơ quan trung ương), Sở Tài chính (trụ sở cơ quan nhà nước thuộc địa phương) để lấy ý kiến.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)
Nội dung văn bản lấy ý kiến phải xác định rõ lý do giao, thu hồi; diện tích dự kiến giao, thu hồi; sự phù hợp của phương án giao, thu hồi với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chức năng, nhiệm vụ và biên chế được duyệt của cơ quan nhà nước dự kiến giao, thu hồi đất; phương án bố trí quỹ đất để di dời trụ sở trong trường hợp thu hồi kèm theo việc xin giao đất…
Nói tóm lại, trước đây, việc giao đất, thu hồi đất độc lập với việc quản lý, sử dụng tài sản công, nên cơ quan, đơn vị nào đó xây dựng trụ sở mới, nhưng cơ quan quản lý tài sản công không biết được trụ sở mới có đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, định mức không và cũng không biết được trụ sở cũ sau khi di dời được sử dụng để làm gì.
Nhưng kể từ ngày 1/1/2018, Bộ Tài chính, các Sở Tài chính tham gia và có ý kiến ngay từ đầu về việc cơ quan, đơn vị, tổ chức nào đề nghị được xây trụ sở mới do trụ sở cũ xuống cấp, không đủ diện tích làm việc, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ.
Cơ quan tài chính cũng sẽ theo dõi, giám sát quá trình xây dựng trụ sở mới và bàn giao lại trụ sở cũ, nên không còn chuyện đã có trụ sở mới lại không chịu trả trụ sở cũ như hiện nay.
Chỉ cần lấy lý do trụ sở mới không bảo đảm diện tích làm việc thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã có trụ sở mới hoàn toàn có lý do giữ lại trụ sở cũ, thưa ông?
Đây là một trong những lý do được nhiều cơ quan, đơn vị có trụ sở mới đưa ra để “quyết” giữ trụ sở cũ. Tuy nhiên, lý do này sẽ bị vô hiệu hóa kể từ ngày 1/1/2018 vì cơ quan tài chính tham gia ngay từ khâu cơ quan, đơn vị nào đó đề nghị xây dựng trụ sở mới.
Cụ thể, ngay khi nhận được văn bản đề nghị cho ý kiến về việc giao đất, thu hồi đất trụ sở làm việc, cơ quan tài chính sẽ tính xem cơ quan, đơn vị, tổ chức di chuyển trụ sở làm việc có bao nhiêu biên chế từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (thậm chí tính đến cả sự biến động về nhân sự), sau đó nhân với diện tích làm việc, diện tích sử dụng chung, diện tích đặc thù theo đúng tiêu chuẩn, định mức và so sánh với thiết kế xây dựng.
Nếu diện tích xây dựng mới không bảo đảm, cơ quan tài chính sẽ không đồng ý phương án giao đất, thu hồi đất. Nếu trụ sở mới đáp ứng yêu cầu, cơ quan tài chính sẽ có ý kiến về việc sắp xếp trụ sở cũ thế nào: thu hồi; điều chuyển cho đơn vị, cơ quan, tổ chức khác đang thiếu diện tích làm việc; đấu giáquyền sử dụng đất… phù hợp với quy hoạch.
Vậy cụ thể thì ai có thẩm quyền thu hồi trụ sở làm việc?
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi đối với trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý; tài sản không phải là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý phải thu hồi, nhưng các bộ, ngành chủ quản không thu hồi; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý phải thu hồi, nhưng địa phương không thu hồi.
Trường hợp phát hiện trụ sở làm việc do cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn địa phương bị sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ hoặc cho thuê, cho mượn, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định thì chủ tịch UBND cấp tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi.
Riêng đối với quyền sử dụng đất được giao để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà tiến độ sử dụng đất bị chậm phải thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; trình tự, thủ tục thu hồi và xử lý tài sản sau thu hồi thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi tài sản, cơ quan nhà nước có tài sản bị thu hồi phải bàn giao đầy đủ tài sản bị thu hồi và các hồ sơ có liên quan đến tài sản cho cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công.