Hà Nội: Xúc tiến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Bắc Âu

Trong hai ngày 9-10/3, lãnh đạo của Sở Công Thương thành phố Hà Nội cùng với đại diện của 12 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ đã có chuyến công tác tại Na Uy nhằm quảng bá và tìm kiếm đối tác để thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Bắc Âu. 

Hoạt động xúc tiến thương mại không những góp phần tìm thêm đối tác nước ngoài mà còn góp phần quảng bá văn hóa của Việt Nam Hoạt động xúc tiến thương mại không những góp phần tìm thêm đối tác nước ngoài mà còn góp phần quảng bá văn hóa của Việt Nam

Tại thủ đô Oslo, bên cạnh các cuộc tiếp xúc, làm việc với đại diện Liên đoàn các doanh nghiệp Na Uy (VIRKE), Phòng Thương mại Oslo, một số công ty Na Uy như Senze of Joy, Northern Gifts AS, Aurora verksted AS, đoàn đã tổ chức trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với những mẫu thiết kế mới là kết quả hợp tác với một số nhà thiết kế Bắc Âu.

Triển lãm thu hút đông đảo khách đến tham quan, trong đó có các vị đại sứ và đại diện của nhiều đại sứ quán các nước tại Oslo.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai và Giám đốc thương mại VIRKE Thomas Angell đánh giá cao sự hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Na Uy trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Với hơn 1.300 làng nghề, chiếm gần 65% số làng nghề của cả nước, thành phố Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) để xây dựng kế hoạch phát triển các thị trường mục tiêu cho ngành hàng, trong đó có việc hợp tác phát triển thiết kế với các chuyên gia thiết kế Bắc Âu, các học viện thiết kế hàng đầu Bắc Âu - vốn được thừa nhận là trung tâm thiết kế sáng tạo hàng đầu của thế giới.

Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), trong mấy năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng với kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đạt trên 1,7 tỷ USD, đem lại thu nhập và việc làm ổn định cho gần 1,5 triệu lao động ở vùng nông thôn, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.

Hoạt động trưng bày và phát triển thị trường cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các đối tác xúc tiến thương mại của các nước là mô hình thiết thực trong hoạt động xúc tiến thương mại, không những góp phần tìm thêm đối tác nước ngoài cho doanh nghiệp mà còn góp phần tăng cường quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Thu Trang
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục