Bệ phóng cho tiêu dùng, sản xuất

(ĐTCK) Trước xu hướng lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp và nhiều ngân hàng tung ra chương trình ưu đãi tín dụng, không ít khách hàng đã mạnh dạn sử dụng đòn bẩy vốn vay để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Từ ngày 20/3/2014, PG Bank triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, từ 7,99%/năm Từ ngày 20/3/2014, PG Bank triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, từ 7,99%/năm

Chị Minh Hằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa nộp hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng PG Bank theo chương trình ưu đãi lãi suất vay vốn. Vợ chồng chị dự kiến mua nhà từ năm 2012, song còn thiếu khoảng 500 triệu đồng.

Thời điểm đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng lên tới 15 - 17%/năm, nên dù kiếm được rất nhiều căn hộ ưng ý, anh chị vẫn tiếp tục thuê nhà chờ đến lúc thuận lợi hơn. Nay lãi suất của PG Bank tháng đầu tiên chỉ 7,99%/năm, các tháng sau Ngân hàng tiếp tục áp dụng mức lãi suất tín dụng hợp lý nhất cho khoản vay, dựa trên lãi suất tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước quy định và biên độ lãi vay thấp, vì vậy, anh chị quyết định vay 300 triệu đồng để mua nhà.

Bên cạnh lãi suất thấp, chị Hằng cho biết, việc xem xét thẩm định hồ sơ được Ngân hàng thực hiện rất nhanh chóng cũng khiến chị quyết định vay tiền để vay nhà. Không giống trước đây, khách hàng không dám vay vốn ngân hàng do e ngại lãi suất cao và biến động mạnh ngoài dự kiến, thời điểm này khá nhiều khách hàng đã mạnh dạn tìm hiểu và đặt vấn đề vay vốn với ngân hàng.

Tại PG Bank, từ ngày 20/3/2014, Ngân hàng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay vốn đối với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ (MSMEs) với gói tín dụng trị giá 500 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng vay vốn mua ôtô (áp dụng cả cho tiêu dùng và kinh doanh); mua mới nhà đất, xây dựng, sửa chữa nhà cửa; vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm được áp dụng lãi suất 7,99%/năm cho tháng đầu tiên. Với hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp siêu nhỏ, Ngân hàng áp dụng lãi suất 8,49%/năm cho tháng đầu tiên.

ÔngNguyễn Việt Hưng, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng bán lẻ PG Bank cho biết, tuy chương trình mới triển khai, tín hiệu ban đầu rất tích cực. Số liệu sơ bộ từ các chi nhánh của Ngân hàng báo về cho thấy, đã có rất nhiều khách hàng được giải ngân và nhiều khách hàng đang nộp hồ sơ đề nghị Ngân hàng cho vay vốn.

Ông Hoàng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hương, chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cho biết, trước đây, lãi suất ngân hàng cao, thủ tục cho vay lại rất khó khăn nên dù mặt hàng bàn ghế, tranh gỗ công ty ông sản xuất được nhiều khách đặt mua, ông cũng không dám mở rộng sản xuất. Nay, ông quyết định vay ngân hàng thêm 2 tỷ đồng để mua thêm gỗ, tăng lượng hàng xuất khẩu.

Về khả năng biến động lãi suất cho vay sau thời gian ưu đãi, vấn đề khách hàng quan tâm nhất hiện nay, ông Hưng cho biết, khách hàng không nên quá lo ngại về việc này. Trước hết, nguồn vốn của các ngân hàng đang rất dồi dào, trong đó vốn có kỳ hạn dài từ 6 tháng đến 1-2 năm chiếm tỷ lệ tương đối lớn do thời gian qua người dân ưu tiên gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã công bố sẽ tập trung điều hành theo hướng khuyến khích các ngân hàng cung vốn giá rẻ ra thị trường.

Một lý do nữa khiến ngân hàng khó có thể đẩy lãi suất cho vay lên cao là hiện cạnh tranh giữa các ngân hàng đang rất quyết liệt. Rất nhiều chương trình ưu đãi cho vay được tung ra.

Ngoài PG Bank, SeA Bank cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền lên tới 4.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu từ là 8,5%/năm. TP Bank cũng đưa ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng, cho phép doanh nghiệp có thể vay tới 90% giá trị hợp đồng bằng USD hoặc VND… Các lãnh đạo ngân hàng đều khẳng định, có khách hàng tốt thời điểm này rất quan trọng, bởi vậy ngân hàng sẽ không vì lợi ích ngắn hạn mà đưa lãi suất lên cao để mất khách hàng.

Tại cuộc họp báo tháng 3, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2014 vẫn ở mức âm 1,05% so với cuối năm 2013, vì thế để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12-14%, cả cơ quan quản lý và các nhà băng cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các nhà băng có các chương trình cấp tín dụng ra thị trường một cách hợp lý để hỗ trợ tiêu dùng và sản xuất.

Định hướng này sẽ được cơ quan quản lý có những chính sách điều hành hỗ trợ như giảm lãi suất tái cấp vốn, tăng cung tiền trên thị trường mở, tập trung xử lý nợ xấu qua hoạt động của VAMC…

Việc các ngân hàng chủ động khơi thông dòng chảy tín dụng là động thái tích cực và bắt đầu có sự dịch chuyển trên thị trường. Bằng chứng là từ đầu tháng 3 tới nay, tín dụng đã tăng 0,13% sau 2 tháng giảm liên tục trước đó. Những chuyển động như vậy cho thấy dòng chảy tín dụng đang được khơi thông và sẽ có sự khởi sắc trong thời gian tới.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục