Nhu cầu nhà xã hội tăng 50%
Theo số liệu thống kê, nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội đến năm 2020 tăng gần 50% so với Chương trình phát triển nhà ở được Thủ tướng phê duyệt. Nguyên nhân do khoảng 40.000 người chuyển từ thuê nhà ở công nhân sang thuê, mua nhà ở xã hội.
Đối với nhà ở tái định cư, kế hoạch trước mắt của Thành phố là sẽ mua lại nhà ở thương mại hoặc hỗ trợ/giới thiệu người dân mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở thương mại. UBND Thành phố cũng yêu cầu thực hiện công tác chuẩn bị và đầu tư khởi công xây dựng phục vụ giãn 1.530 hộ (giai đoạn I) tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên theo Đề án giãn dân phố cổ xây dựng quận Hoàn Kiếm của UBND Thành phố. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho người dân mua nhà ở thương mại phục vụ giãn nốt khoảng 5.020 hộ dân phố cổ.
Nhà ở cho sinh viên còn thiếu so với nhu cầu thực tế và cả theo Chương trình phát triển nhà ở được Thủ tướng phê duyệt (giai đoạn 2012 - 2015), Thành phố cũng đã lên kế hoạch sẽ bổ sung trong năm 2015 và sẽ đưa vào thực hiện tiếp ở giai đoạn 2016 - 2020.
Cũng theo số liệu thống kê, nhu cầu thực tế về nhà ở cho công nhân thuê đến năm 2020 giảm đến 83% so với Chương trình phát triển nhà ở. Nguyên nhân do số lượng công nhân làm việc theo quy hoạch tại các khu công nghiệp được dự kiến có khoảng 40.000 người chuyển sang mua, thuê mua nhà ở xã hội và khoảng 80.000 công nhân là người địa phương đã có nhà đất, không có nhu cầu thuê nhà.
Điểm đáng chú ý nhất là nhu cầu về nhà ở công vụ của Thành phố năm 2015 là không có, do các đối tượng thuộc Thành phố quản lý không có nhu cầu thuê, trong khi đó Thành phố đã đầu tư 900 m2 sàn (đạt 26%) theo Chương trình phát triển nhà ở, nhưng chưa có đối tượng thuê.
Giá nhà đất khó tăng
Theo “Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014, nguồn vốn từ ngân sách trung ương và ngân sách thành phố cho chương trình này trong năm 2015 là 6.744,6 tỷ đồng. Các chuyên gia bất động sản cho rằng, tuy phần lớn các sản phẩm trên đều tập trung ở khu vực ngoại ô, nhưng do lượng vốn để đầu tư không lớn, nên khó làm tăng giá nhà đất.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời kỳ “sốt” đất, thị trường bất động sản đã phát triển không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng nhiều dự án xa trung tâm không triển khai được.
“Quy hoạch quỹ đất cho phát triển bất động sản đến tận năm 2050 mà ngay khi phê duyệt xong đã cấp cho chủ đầu tư hết rồi thì lấy đâu ra nguồn lực mà phát triển”, ông Liêm bức xúc nói và kiến nghị, để thực hiện kế hoạch trên một cách hiệu quả và không làm xáo trộn thị trường, Hà Nội cần khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu trước khi quyết định xây nhà cho học sinh, sinh viên và công nhân lao động, tránh tình trạng xây xong không có người ở, gây lãng phí tiền của của nhân dân.
Trong khi đó, trước thông tin sẽ có khoảng 40.000 người chuyển từ thuê nhà ở công nhân sang thuê mua nhà ở xã hội, ông Vũ Kim Giang, Giám đốc CTCP Đầu tư Thái Minh Quang tỏ ra khá hào hứng. Theo ông Giang, trong thời gian tới, các chủ đầu tư cần nắm bắt cơ hội này để đầu tư mạnh hơn nữa vào phân khúc nhà xã hội.
Chỉ tiêu về nhà ở của Hà Nội năm 2015 - Diện tích nhà ở bình quân toàn Thành phố 23,1 m2/người; trong đó khu vực đô thị là 26,6 m2/người; khu vực nông thôn là 20 m2/người. - Xây dựng khoảng 540.000 m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho 41.000 sinh viên. - Xây dựng khoảng 1,6 triệu m2 sàn chỗ ở cho công nhân khu công nghiệp. - Xây dựng khoảng 1,8 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 20.000 căn hộ nhà ở xã hội cho các đối tượng. - Xây dựng khoảng 1.400 m2 sàn nhà ở công vụ. - Xây dựng khoảng 1,6 triệu m2 sàn, tương đương 20.000 căn hộ cho tái định cư (Nguồn: Quyết định 996 phê duyệt “Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ) |