Hà Nội: Khánh thành cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 30/8/2023, UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II của TP. Hà Nội.
Sáng ngày 30/8, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Sáng ngày 30/8, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khánh thành đã tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP. Hà Nội. Đồng thời, cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng;

Đặc biệt là tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt Dự án tại Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 17/1/2023. Dự án có tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2020-2023.

Giai đoạn trước năm 2005, trên dòng sông Hồng qua địa phận TP. Hà Nội chỉ có 3 cầu (Thăng Long, Long Biên, Chương Dương) và đang triển khai thi công cầu Thanh Trì.

Để tăng cường khả năng lưu thông giữa 2 bờ Hữu ngạn và Tả ngạn sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 bằng nguồn vốn ngân sách TP, công trình được khởi công ngày 3/2/2005, hoàn thành ngày 26/9/2010 và tổ chức khai thác từ năm 2010 đến nay.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được nghiên cứu lập dự án từ nhiều năm trước đây và đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án tại Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 5/10/2011 bằng nguồn vốn ngân sách TP.

Dự án sau khi được phê duyệt không được triển khai thực hiện do nằm trong danh mục các công trình đình, giãn, hoãn tiến độ giai đoạn 2013-2015 của TP.

Sau đó, đến năm 2017, Dự án tiếp tục được nghiên cứu triển khai theo hình thức hợp đồng BT theo chủ trương của TP và văn bản chấp thuận của Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Năm 2019, TP. Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải triển khai xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và đề nghị cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư công bằng ngân sách của TP và được

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 7/2/2020.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép với tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN11823-2017, chịu được động đất cấp 8.

Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473 m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25 m, tương đương 4 làn xe.

Dự án đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt sau 4 tháng kể từ khi có chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tiến hành tổ chức lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công ngày 9/1/2021.

Sau khi khởi công, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Ban QLDA, các nhà thầu xây dựng tiến độ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công 3 ca liên tục bám sát tiến độ tổng thể, quản lý tốt tiến độ dự án, đặc biệt là các hạng mục, công việc thuộc đường găng phải hoàn thành.

Trong quá trình triển khai dự án đã gặp rất nhiều khó khăn như: Công trình có điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, thi công trong đô thị, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại của giao thông đường thủy và đường bộ; Thi công trong mùa lũ, khi mực nước dâng cao phải dừng thi công và di chuyển máy móc, thiết bị thi công để tránh lũ; Dịch Covid-19 năm 2021 bùng phát trở lại, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, việc huy động nhân công, nhiên vật liệu khó khăn phần nào ảnh hưởng đến tiến độ dự án; Biến động giá vật liệu xây dựng tăng, nhất là thép xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 40-50% khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn lưu động phục vụ gói thầu, dự án...

Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, HĐND, UBND TP. Hà Nội, sự nỗ lực quyết tâm của Ban QLDA, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công, đến nay, công trình đã hoàn thành đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh Nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chào mừng 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô, công trình thi công đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị.

Như vậy, đến nay kết nối hai bên bờ hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng đoạn trên địa bàn TP. Hà Nội có 8 cầu bắc qua: cầu Văn Lang (Ba Vì-Việt Trì), cầu Vĩnh Thịnh, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 và giai đoạn 2, cầu Thanh Trì.

Các công trình cầu qua sông Hồng đã hoàn thành này chủ yếu do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện, chỉ có cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 hoàn thành năm 2010 trước đây và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành hôm nay là do UBND TP. Hà Nội là chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện bằng ngân sách TP.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác xây dựng Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác xây dựng Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ tổ chức lưu thông 1 chiều theo hướng từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên với 4 làn xe và tổ chức giao thông lại cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 theo hướng lưu thông 1 chiều từ quận Long Biên sang quận Hai Bà Trưng góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên tuyến.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, theo đúng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, sau khi hoàn thành giai đoạn 2, Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu có mặt cắt chiều rộng lớn nhất của TP. Hà Nội bắc qua sông Hồng. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, giải quyết áp lực cho giao thông Thủ đô, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Hà Nội theo quy hoạch.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được thi công trong điều kiện khó khăn như dịch Covid-19 kéo dài, biến động trượt giá... nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP. Hà Nội, sự ủng hộ quan tâm của cơ quan Trung ương và sự đổi mới tư duy dám nghĩ dám làm khắc phục khó khăn về địa chất thủy văn, thời tiết; nhà thầu thi công tổ chức làm việc liên tục tăng ca kíp, không kể ngày đêm. Sau gần 3 năm thi công, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn thiện vượt tiến độ 4 tháng, không đội vốn. Đây là cố gắng lớn của chủ đầu tư và UBND TP. Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt có mật độ dân cư lớn, lưu lượng tham gia giao thông ngày một tăng cao; trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông chung của thành phố vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng khung bao gồm các đường vành đai, các trục hướng tâm chưa được khớp nối, liên thông đồng bộ...

Do đó, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hết sức cần thiết, góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch.

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến. Dự án Cầu Vĩnh Tuy hoàn thành cũng chứng tỏ được năng lực, kinh nghiệm để TP. Hà Nội có thể triển khai thi công các công trình cầu khác bắc qua sông Hồng trong những năm tới như Cầu Thượng Cát, Cầu Vân Phúc, Cầu Tứ Liên, Cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Hồng Hà, Cầu Mễ Sở…

Để phát huy hiệu quả dự án, ông Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Giao thông - Vận tải cùng với Công An TP. Hà Nội, Ban Quản lý Dự án tổ chức ngay việc phân làn, hướng dẫn giao thông để nhân dân đi lại thuận tiện đồng thời rà soát việc tổ chức giao thông tại các tuyến đường, nút giao liên quan để xem xét, điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp; đặc biệt là sớm triển khai dự án hầm chui nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung.

Sở Giao thông - Vận tải tổ chức tiếp nhận, thực hiện duy tu, duy trì công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đảm bảo chất lượng công trình và đảm bảo giao thông an toàn, thuận tiện.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép với tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN11823-2017, chịu được động đất cấp 8.Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương 4 làn xe.

Theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT VINACONEX, ngay từ những ngày đầu khởi công (tháng 1/2021), tập thể cán bộ công nhân viên liên danh VINACONEX - Trung Chính và các nhà thầu đã luôn nỗ lực cố gắng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, xác định việc hoàn thành Dự án là danh dự và trách nhiệm chính trị của doanh nghiệp trước chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội.

Đại diện nhà thầu cho biết, quá trình triển khai thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát, mặt bằng thi công của dự án là môi trường dưới nước với điều kiện thuỷ văn phức tạp.

Ngoài ra, việc vừa phải đảm bảo thi công đúng tiến độ, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn khai thác cầu Vĩnh Tuy hiện tại và đường thuỷ sông Hồng đoạn qua Dự án là một trong các áp lực lớn đối với các nhà thầu.

Trước những khó khăn trên, Liên danh VINACONEX - Trung Chính đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, tập trung nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết khi thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; áp dụng các giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động đồng bộ nhiều chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất cùng hàng trăm cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đảm bảo yêu cầu thi công “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm.

“Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần đưa Dự án hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch và giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, đảm bảo chất lượng thi công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối; khẳng định năng lực và sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn của các kỹ sư, công nhân tham gia Dự án; đồng thời đem lại những bài học kinh nghiệm mang tính đột phá cho các các nhà thầu trong việc tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thực hiện dự án đầu tư công”, ông Đào Ngọc Thanh thông tin.

Minh Thắng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục