Mới đây, TAND TP Hà Nội vừa xem xét theo đơn kháng cáo của Công ty Bình Minh về lãi suất quá hạn đối với khoản vay tại Ngân hàng Dầu khí (GPBank).
Trước đó, năm 2010-2011, Công ty Bình Minh ký hợp đồng tín dụng với GPBank, hạn mức là 7 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên gồm 2 bất động sản, máy khoan cọc nhồi, xe ô tô Ford Escape… Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Bình Minh vay 4 tỷ đồng.
Quá trình vay vốn, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Theo tính toán của ngân hàng, đến ngày 7/11/2019, Công ty Bình Minh còn nợ tổng cộng 11,9 tỷ đồng gồm nợ gốc là 3,2 tỷ đồng; lãi trong hạn 61 triệu đồng; lãi quá hạn 8,6 tỷ đồng.
Ngân hàng khởi kiện ra tòa án. Cuối năm 2019, TAND quận Đống Đa chấp nhận đơn khởi kiện, tuyên buộc Công ty Bình Minh phải thanh toán cho GPBank số tiền 11,9 tỷ đồng. Trường hợp doanh nghiệp không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ thì ngân hàng có quyền phát mại các tài sản trên.
Sau khi xét xử sơ thẩm bị đơn kháng cáo bản án trên, yêu cầu tính lại lãi suất quá hạn.
Tòa phúc thẩm thấy rằng, 2 hợp đồng tín dụng trên có thời hạn vay 6 tháng, lãi suất trong hạn 22%, thay đổi 1 tháng/lần theo biểu lãi suất cho vay của GPBank, nợ quá hạn tối đa bằng 150% mức lãi suất cho vay trong hạn.
Tại thời điểm ký kết hợp đồng, mức lãi suất cho vay là phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư 12/2010/TTNHNN ngày 14/4/2010 của Ngân hàng nhà nước. Các bên còn thỏa thuận về lãi suất 1 tháng thay đổi 1 lần. Tuy nhiên mức lãi suất 22%/năm là quá cao.
Từ năm 2012, NHNN có quyết định điều chỉnh lãi suất nhằm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về việc ổn định kinh tế vĩ mô. Như vậy, mức lãi suất cho vay sẽ thay đổi theo việc điều chỉnh lãi suất của NHNN từng thời điểm.
Tòa phúc thẩm xác định, việc ngân hàng áp dụng lãi suất quá hạn 33% kể từ ngày 20/10/2011 và 34,5% kể từ ngày 26/1/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm là chưa phù hợp với quy định về lãi suất cho vay do NHNN quy định.
Mặt khác, Công ty Bình Minh là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên phải căn cứ vào các thông tư được ban hành từ các năm 2012-2017, theo đó mức lãi suất thay đổi giảm dần từ 14%/năm xuống 6,5%/năm.
Theo tính toán lại, tòa phúc thẩm quyết định sửa lại lãi suất quá hạn. Theo đó, Công ty Bình Minh phải trả nợ lãi quá hạn tính đến ngày 28/11/2019 là 3,6 tỷ đồng.
So với án sơ thẩm, tổng nợ mà doanh nghiệp phải trả cũng giảm xuống còn 6,9 tỷ đồng.