Vừa qua, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật điện Hoàng Ngọc (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Thịnh Vạn Lộc.
Tranh chấp giữa 2 doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2018, có liên quan đến nhiều vấn đề về hợp đồng, hóa đơn, chứng từ. Bên bị kiện là Công ty Thịnh Vạn Lộc thậm chí còn cho rằng việc ký kết hợp đồng chỉ nhằm mục đích giúp nguyên đơn hợp thức hóa việc vay mượn ngân hàng và quyết toán thuế.
Theo đơn khởi kiện của Công ty Hoàng Ngọc, tháng 1/2017, hai bên có ký kết hợp đồng nguyên tắc mua bán sản phẩm thiết bị điện và hợp đồng mua bán hàng hóa số 002017 cung cấp các vật tư, thiết bị điện, nước với tổng giá trị hàng hóa là hơn 1 tỷ đồng.
Từ ngày 9/2/2017 đến ngày 31/8/2018, Công ty Hoàng Ngọc nhiều lần giao hàng theo yêu cầu của Công ty Thịnh Vạn Lộc, tổng giá trị hàng hóa là gần 3 tỷ đồng. Bên mua mới thanh toán được 2,3 tỷ đồng còn nợ lại 657 triệu đồng. Do đó, Công ty Hoàng Ngọc khởi kiện đòi Thịnh Vạn Lộc thanh toán khoản tiền này.
Trong khi đó, đại diện theo pháp luật của Công ty Thịnh Vạn Lộc là ông Trần Huy Đức cho rằng, hai bên có quan hệ mua bán hàng hóa thông qua email, các đơn đặt hàng: bên mua sẽ đặt hàng, bên bán báo giá, sau khi bên mua xác nhận thì bên bán chuyển hàng. Khi nhận hàng, đại diện Công ty Thịnh Vạn Lộc sẽ kiểm tra hàng và ký nhận hàng.
Đối với 2 hợp đồng nguyên đơn nêu, Công ty Thịnh Vạn Lộc cho rằng, các hợp đồng này được lập sau khi đã hoàn thành công trình chứ không phải lập hợp đồng trước khi mua hàng. Bản chất việc ký kết 2 hợp đồng nhằm mục đích giúp Công ty Hoàng Ngọc hợp thức hóa việc vay mượn ngân hàng và quyết toán thuế.
Quá trình mua bán, bị đơn đã trả 2,2 tỷ đồng và thanh toán xong công nợ. Đối với việc nguyên đơn đòi tiền, Công ty Thịnh Vạn Lộc không chấp nhận vì hai bên không có sự đối chiếu và xác nhận số công nợ trên, các hóa đơn bán hàng do Công ty Hoàng Ngọc tự xuất, phía Thịnh Vạn Lộc không ký.
Công ty Thịnh Vạn Lộc yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh khoản nợ phù hợp với hóa đơn chứng từ, biên bản giao nhận hàng hóa giữa 2 bên.
Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Thịnh Vạn Lộc phải trả 47,3 triệu đồng trong số 657 triệu đồng mà nguyên đơn yêu cầu.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Công ty Hoàng Ngọc đã kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án xác định trong số 99 hóa đơn mà Công ty Hoàng Ngọc cung cấp thì Công ty Thịnh Vạn Lộc xác nhận 35 hóa đơn là đúng tương ứng với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Nhưng thực tế, Công ty Thịnh Vạn Lộc đã trả hơn 2,3 tỷ đồng, thừa so với số tiền trên 35 hóa đơn. Công ty Thịnh Vạn Lộc không chứng minh được số tiền thừa là trả cho hóa đơn nào và cũng không yêu cầu Công ty Hoàng Ngọc trả lại.
64 hóa đơn không được Công ty Thịnh Vạn Lộc thừa nhận thể hiện trước khi giao dịch và trước khi giao hàng – xuất hóa đơn, hai bên đều có trao đổi qua email để đặt hàng.
Bên cạnh đó, cũng tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty Thịnh Vạn Lộc xác nhận có nhận bản đối chiếu công nợ nhưng không yêu cầu đối chiếu lại số tiền nợ hoặc từ chối thanh toán mà lại hứa hẹn trả nợ.
Vì thế, Tòa án cho rằng Công ty Thịnh Vạn Lộc từ chối 64 hóa đơn là không có cơ sở. Từ đó, Tòa phúc thẩm sửa án, buộc Công ty Thịnh Vạn Lộc phải trả toàn bộ 657 triệu đồng.