Việc nợ tiền BHXH này đang ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 16.500 người lao động. Nhiều DN nợ bảo hiểm của hàng trăm người lao động trong gần 2 năm.
Trong danh sách này, DN có số nợ BHXH lớn nhất là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (huyện Mê Linh) với số tiền trên 18,7 tỷ đồng của hơn 900 người lao động trong thời gian 16 tháng.
4 DN có số nợ trên 10 tỷ đồng gồm: Công ty cổ phần Cầu 12 CIENCO 1 (quận Long Biên) nợ hơn 11,8 tỷ đồng với thời gian 14 tháng, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4 (quận Đống Đa) nợ hơn 11 tỷ đồng với thời gian 24 tháng, Xí nghiệp cầu 17-CIENCO 1 (quận Ba Đình) nợ hơn 10,5 tỷ đồng trong 23 tháng, Công ty TNHH MTV thủy lợi Sông Tích (huyện Sơn Tây) nợ hơn 10,1 tỷ đồng trong 10 tháng.
Ngoài những DN có số nợ lớn, có không ít DN chỉ nợ hơn 100 triệu đồng, nhưng thời gian nợ rất dài, lên tới 23, 24 tháng. Người lao động của những DN nợ bảo hiểm không được hưởng chế độ trợ cấp của BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Một số DN có thời gian nợ BHXH kéo dài là do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên nhiều DN đã giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động.
Để giảm tỷ lệ nợ đọng các loại bảo hiểm, trong 2 tháng đầu năm nay, BHXH Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra hơn 280 DN nợ BHXH, BHYT.
BHXH Hà Nội cũng đã lên tiếng cảnh báo các đơn vị, DN về việc có thể phải đối mặt với án phạt nghiêm khắc theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, chủ DN sẽ chịu mức phạt tù có thể lên tới 7 năm và tiền phạt lên tới 1 tỷ đồng.