Nợ đọng cao nhất cả nước
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, hết quý I/2017, có hơn 5,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế với số thu đạt gần 7.000 tỷ đồng, đạt 20,9% kế hoạch năm, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện trên địa bàn Thành phố có hơn 55.700 doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong quý I/2017, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã mở rộng được hơn 2.200 doanh nghiệp tham gia. Tỷ lệ bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt hơn 82%.
Tính đến hết tháng 3/2017, tổng số tiền nợ trên toàn thành phố là hơn 3.100 tỷ đồng với hơn 39.000 đơn vị.
Tổng số tiền chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện là hơn 8.800 tỷ đồng. Hà Nội có số lượng người thụ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng lớn nhất cả nước với hơn 548.000 người thụ hưởng, tổng số tiền là hơn 6.300 tỷ đồng, còn lại là chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi các chế độ khác...
Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, mặc dù rất nỗ lực triển khai các biện pháp thu hội nợ đọng như thanh tra, kiểm tra, chính quyền địa phương tích cực chỉ đạo..., nhưng tình trạng nợ đọng ở Hà Nội vẫn cao nhất cả nước.
Tính đến hết tháng 3/2017, tổng số tiền nợ trên toàn thành phố là hơn 3.100 tỷ đồng với hơn 39.000 đơn vị, chiếm 9,5% kế hoạch thu.
Cũng trong quý I/2017, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã thực hiện 72 cuộc thanh, kiểm tra nhưng mới chỉ thu hồi được 7,5 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội.
“Bảo hiểm xã hội đã bàn giao 129 đơn vị với tổng số tiền nợ 142,9 tỷ đồng cho tổ chức công đoàn để tiến hành khởi kiện. Đến nay, tổ chức công đoàn đã nộp đơn khởi kiện 24 đơn vị với số tiền nợ gần 40 tỷ đồng” – ông Nguyễn Đức Hòa nói.
Khởi kiện còn vướng quy trình
Một chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Hà Nội phải phấn đấu trong năm 2017 là phải giảm tỷ lệ nợ đọng xuống 4% kế hoạch thu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hòa, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi nợ đọng.
Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/6/2016 đã đưa vào nhóm tội danh liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người nào không trốn đóng hoặc gian lận tiền bảo hiểm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 đã bị hoãn thi hành và hiện đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung chờ Quốc hội thông qua.
“Khi bộ luật này có hiệu lực thì các hành vi vi phạm bảo hiểm xã hội có cả hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự, các đơn vị sẽ phải tuân thủ nghiêm túc hơn” -ông Nguyễn Đức Hòa nói.
Hiện, việc đòi nợ đọng chủ yếu là hình thức đôn đốc thu, nhắc nợ. Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã phải xuống trực tiếp đôn đốc thu tại hơn 4.800 đơn vị và sua đôn đốc thì mới thu hồi được hơn 46 tỷ đồng, con số quá nhỏ so với tổng số nợ đọng.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp đơn vị nợ phí bảo hiểm thì có thể khởi kiện đòi và đơn vị đứng ra khởi kiện là tổ chức công đoàn, quy định này có sự thay đổi so với trước đây là Bảo hiểm xã hội đứng ra khởi kiện
Dù vậy, việc khởi kiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định rõ đại diện này là cá nhân hay tập thể của tổ chức công đoàn.
Ông Nguyễn Đức Hòa cũng thông tin thêm rằng cũng trong sáng 18/4, đã có cuộc họp tại Thành ủy Hà Nội về vấn đề này. Tòa án nhân dân tối cao cho biết đang xem xét, soạn thảo văn bản hướng dẫn vấn đề khởi kiện. Khi có hướng dẫn, Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với Tòa án, Liên đoàn lao động để tập huấn quy trình thủ tục khởi kiện một doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm.
Hiện 24 hồ sơ đã được tổ chức công đoàn đệ đơn khởi kiện vẫn đang có vướng mắc về quy trình để xử. Tới đây, khi có hướng dẫn, có quy trình việc đòi nợ sẽ có chuyển biến tích cực và sẽ tác động mạnh đến việc giảm tỷ lệ nợ đọng.
Bảo hiểm xã hội Hà Nội rất mong chờ văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành. Trước mắt, cơ quan này tập trung phân loại các đơn vị nợ đọng, khoanh nợ, chia nhóm nợ dưới 3 tháng, nợ từ 3 – 6 tháng, nợ từ 7 – 12 tháng, nợ từ 12 – 24 tháng và nợ trên 36 tháng để đôn đốc thu hồi.