Vài năm gần đây, tình trạng nợ đóng các loại bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện kéo dài, chây ỳ trở nên nghiêm trọng. Các biện pháp như kiểm tra, đôn đốc, dọa công khai danh tính doanh nghiệp... không giải quyết triệt để tình trạng này.
Thống kê các doanh nghiệp nợ nhiều, nợ lâu trên địa bàn Hà Nội cho thấy hầu hết rơi vào nhóm doanh nghiệp xây dựng, xây lắp. Các công ty thuộc “họ” CIENCO1, Licogi, Lilama, Sông Đà... xuất hiện nhiều lần.
Doanh nghiệp nợ lâu nhất là CTCP 116 CIENCO1 có trụ sở tại số 521 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), nợ 109 tháng, tương đương với hơn 9 năm, số tiền lên tới 14,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp nợ nhiều nhất thuộc họ “Lilama”: CTCP Lilama 3 có 226 lao động, nợ tổng cộng 25,4 tỷ đồng.
Cũng “họ” CIENCO1, CTCP Cầu 12 CIENCO1 có trụ sở tại số 463, Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội) sử dụng 732 lao động, nợ 12 tháng với tổng số tiền 14,4 tỷ đồng. CTCP Cơ khí Xây dựng 121 CIENCO1, sử dụng 87 lao động, nợ 25 tháng với số tiền 12,2 tỷ đồng.
Nhiều công ty có tên Licogi cũng xuất hiện trong danh sách nợ. Tổng CTCP Licogi - Chi nhánh Licogi số 1 sử dụng 375 lao động, nợ 3 tháng với tổng số tiền 7,7 tỷ đồng. CTCP Licogi 13 XD và KTCT sử dụng 33 lao động, nợ 80 tháng tương đương hơn 6 năm 8 tháng, số nợ 6,3 tỷ đồng.
Một số công ty khác như CTCP Sông Đà 6, CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà, CTCP Lilama 3.3... cũng nợ kéo dài từ vài tháng đến vài năm, số tiền nợ hàng tỷ đồng.
Trao đổi với Đầu tư chứng khoán, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết với các đơn vị nợ BHXH, cơ quan BHXH đã xuống đôn đốc nhiều lần nhưng họ đều đưa ra lý do hoạt động kinh doanh khó khăn, các công trình thi công đang nợ, chưa trả cho họ...
Báo cáo quý 1/2017 của Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho thấy tỷ lệ nợ đóng BHXH là 9,5% tổng số phải thu, chỉ giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ đóng này vẫn rất cao so với chỉ tiêu kế hoạch là 4,04% số phải thu. Có tới hơn 39.000 đơn vị trên địa bàn Hà Nội nợ BHXH. Hà Nội cũng là địa phương có số nợ đọng cao nhất.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa dù đã triển khai nhiều biện pháp như phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra; phối hợp công đoàn khởi kiện; phối hợp Đảng ủy khối doanh nghiệp TP; Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất để đôn đốc nợ nhưng kết quả chưa được nhiều.
Trước tình trạng trốn đóng, nợ đọng dồn ứ, quỹ an sinh xã hội này gặp khó khăn, thậm chí bị cảnh báo nguy cơ vỡ quỹ. Bởi vậy, khi Luật BHXH được sửa đổi, các cơ quan chức năng đã phải kiến nghị đưa vào quy định về khởi kiện để đề nghị Tòa án phán quyết buộc các đơn vị nợ BHXH phải thực hiện nghĩa vụ.
Trong quý 1/2017, BHXH Hà Nội đã bàn giao 129 đơn vị với tổng số nợ 142 tỷ đồng sang tổ chức công đoàn để khởi kiện. Hiện đã nộp đơn khởi kiện 24 đơn vị. Nhưng nhiều vụ việc Tòa án đã từ chối thụ lý do mâu thuẫn chồng chéo giữa 4 luật liên quan gồm Luật BHXH, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Bộ luật tố tụng dân sự.
Bộ luật hình sự sửa đổi cũng bổ sung các tội danh về trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH nhưng hiện Bộ luật này tạm hoãn thi hành và chờ Quốc hội cho ý kiến xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.
Dù vậy, việc khởi kiện có tác dụng nhất định. Nhiều đơn vị sau khi bị đưa ra khởi kiện đã trả nợ BHXH.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trụ sở tại 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội có 375 lao động nợ 3 tháng với tổng số nợ là 7,7 tỷ đồng.