Theo quyết định do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ban hành, Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố gồm 26 người, trong đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh được phân công làm trưởng ban.
Ban này có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, phát triển 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng thành quận thuộc TP Hà Nội.
Trước đó, tại Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong 19 chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU, đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đối với 5 huyện nêu trên.
Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại.
Chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954. Trồng mới 500.000 cây xanh đô thị (trong tổng số 3,5 triệu cây xanh trồng mới toàn thành phố).
Chủ tịch HĐND thành phố cũng yêu cầu tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế đô thị, nhất là các ngành nghề phi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, phát triển thêm các tuyến phố đi bộ…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị tại các khu vực trung tâm; cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị cũ góp phần xây dựng cảnh quan thành phố xanh, văn minh, hiện đại.
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị khung, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; tăng cường mối liên kết vùng, tạo động lực phát triển trong vùng Thủ đô; Ưu tiên xây dựng không gian ngầm đô thị theo hướng tích hợp đa chức năng...
Bên cạnh đó, thành phố sẽ ưu tiên phát triển đô thị xanh, bền vững, thông minh, hiện đại. Đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng hạ tầng khung, hạ tầng xã hội tại 5 huyện thành quận và đô thị vệ tinh. Hình thành các công trình, khu vực điểm nhấn đô thị mang tính biểu tượng, tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc của Thủ đô…
Hà Nội đang có bao nhiêu quận?
Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Ngày 4/11/1954, Hà Nội thành lập Ủy ban hành chính các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Ngày 28/10/1995, Hà Nội thành lập quận Tây Hồ. Ngày 29/11/1996, thành lập các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy. Ngày 6/11/2003, thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai.
Ngày 8/5/2009, quận Hà Đông được thành lập trên cơ sở thành phố Hà Đông (thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Ngày 27/12/2013, huyện Từ Liêm được tách thành hai quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đang có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.