Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội đề xuất biện pháp mạnh với trường hợp chậm nộp thuế, phí, vay nợ không trả...

(ĐTCK) Đây là quan điểm của đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng ban Dân vận tỉnh uỷ Bắc Giang khi bàn về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được bàn tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đưa ra một số đề xuất sử dụng các công cụ chuyển đổi số để nền kinh tế xã hội "tự tiến bộ".

Ông Thịnh nhấn mạnh đến các giải pháp minh bạch tài sản nhằm nâng nguồn thu, phòng chống tham nhũng, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ các giao kết dân sự của người dân để "một người xấu xa cũng buộc phải tử tế hơn".

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) - Ảnh: quochoi.vn

Muốn vậy, theo vị đại biểu này, bên cạnh những vấn đề quan trọng cần quan tâm hiện nay như hạ tầng, đầu tư giao thông, cần phải quan tâm vấn đề tạo nền tảng để xã hội tự vận hành. Trước hết, phải định danh lại toàn bộ tài sản của nền kinh tế gắn với tổ chức của công dân cùng với quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ công và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Ví dụ một người lấn chiếm đất nông nghiệp, hiện tại chúng ta xử lý bằng cách xử phạt hành chính, nếu người đó không tuân thủ thì địa phương huy động các đoàn thể ra vận động, thuyết phục... Nhưng nếu làm được việc định danh tài sản gắn với thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ tiêu dùng thiết yếu (như điện, nước, vé máy bay...) thì nếu cá nhân đó không nộp phạt có thể bị cắt điện, nước, từ chối cung cấp dịch vụ hàng không...

Nếu làm được điều này thì dịch vụ đòi nợ thuê cũng sẽ không tồn tại, bởi nếu ai đó không tuân thủ các giao kết kinh tế về mặt dân sự (hợp tác, vay nợ...) thì các quyền tiêu dùng thiết yếu sẽ bị hạn chế, theo đại biểu đoàn Bắc Giang.

"Chỉ có đánh vào các nhu cầu thiết yếu mới buộc công dân phải tuân thủ. Khi đó, chỉ có "ăn lông ở lỗ" thì mới quỵt được nợ, còn đã mặc comple, đeo đồng hồ, đi máy bay thì bắt buộc phải trả nợ", ông Thịnh nêu quan điểm.

Về lộ trình thực hiện, vị đại biểu nêu hai bước tiến hành: Bắt đầu bằng quy định chuẩn hoá dữ liệu về tài sản gắn với dữ liệu căn cước công dân, định danh công dân và gắn với mã số của tổ chức, doanh nghiệp.

Bước thứ hai là thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, bắt buộc áp dụng với một số dịch vụ công và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và một số khoản tiêu dùng có giá trị lớn.

"Thời điểm này làm được ngay đối với quy định bắt buộc mua vé máy bay, thanh toán điện nước, mua bán bất động sản giá trị lớn không dùng tiền mặt", ông Thịnh nói.

Chia sẻ thêm về cơ sở dữ liệu hiện có, đại biểu này nói rằng, hiện nay chúng ta đang có khoảng 100 triệu tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại cộng với 127 triệu tài khoản thanh toán mobile money, do đó hoàn toàn có thể áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt ngay trong nền kinh tế này, với quy định ban đầu là khuyến khích sau đó tiến tới bắt buộc.

"Mỗi chủ phương tiện có tài khoản giao thông như đề xuất vừa rồi của TP Hà Nội là cần thiết. Cần quy định từ cấp Chính phủ và nếu được, Chính phủ có thể hỗ trợ Hà Nội quản lý toàn bộ tài sản gắn với căn cước công dân, định danh công dân. Dữ liệu quốc gia về dân cư chúng ta đã có cơ sở tương đối tốt rồi, chỉ cần quy định dữ liệu của ngành, của tổ chức, tiến tới chuẩn hoá dữ liệu để chúng ta có thể trộn dữ liệu với nhau".

(Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

Tuy vậy, vị đại biểu cũng nêu khó khăn thách thức là hiện nay chưa có cơ quan nào đứng ra ban hành quy chuẩn về dữ liệu; ví dụ ngành bảo hiểm phải có chuẩn hóa dữ liệu để khi dữ liệu bảo hiểm đổ về nó phải chuẩn hoá với dữ liệu ngân hàng của chủ tài khoản và đồng bộ với dữ liệu của cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất..., tức là phải có những trường thống nhất với nhau.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Thịnh chỉ cần có công cụ pháp lý ở cấp nghị định, quy định từng ngành có liên quan đến tài sản phải có chuẩn hoá dữ liệu.

Việc này các cơ quan chuyên môn sẽ quyết định, ở cấp độ người dân chỉ cần biết là phải có một mã định danh gắn với quyền về tài sản, ví dụ hợp đồng bảo hiểm, bất động sản, tài khoản ngân hàng...

"Chính Phủ đã trình Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), trong đó có nhiều vấn đề phức tạp hơn nhiều. Tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn làm được nếu có quyết tâm chính trị", ông Thịnh nhận định.

Trước đó, tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội bàn về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023 diễn ra đầu tháng 10/2022, ông Thịnh có phát biểu gây chú ý: "Tôi cho rằng điều hành của một Chính phủ nên hướng tới những vấn đề mang tính cốt lõi để cho xã hội, cho nền kinh tế dựa vào nền tảng đó mà tự vận hành và tự tiến bộ".

Tiếp theo giải pháp về chuẩn hoá dữ liệu dân cư, ông Thịnh cũng đề nghị quá trình cải cách hành chính phải liên tục được tiệm tiến, đặc biệt cần đẩy mạnh việc công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho người dân tham gia phản biện.

Cụ thể, đại biểu đoàn Bắc Giang mong muốn là trong năm 2023, việc giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước các cấp, đặc biệt là giữa cấp chính quyền địa phương với Chính phủ nên được công khai trên môi trường mạng, cho xã hội theo dõi đánh giá.

Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tiếp đó, Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Theo kế hoạch, chiều 7/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật này; sau đó tiếp tục thảo luận ở hội trường vào sáng 14/11.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục