Bộ trưởng Công Thương: Xăng dầu khan hiếm một phần do doanh nghiệp đầu tư chứng khoán, bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, xăng dầu chưa bao giờ thiếu, tình trạng khan hiếm thời gian qua một phần do nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản nên bị vơi đi nguồn tiền nhập hàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại họp tổ Quốc hội sáng 22/10. Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại họp tổ Quốc hội sáng 22/10.

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ ba với nội dung thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp một số thắc mắc về điều hành xăng dầu, liên quan đến tình trạng hàng loạt cửa hàng xăng dầu (chủ yếu phía Nam) thông báo hết hàng thời gian qua.

Nguồn cung không thiếu nhưng bán đến tay người tiêu dùng lại có vấn đề

Bộ trưởng ghi nhận, hai tuần qua, hệ thống phân phối xăng dầu từ 34 doanh nghiệp đầu mối, 500 thương nhân phân phối đến 17.000 cửa hàng xăng dầu trên khắp cả nước đã bộc lộ một số vấn đề. Nhiều cửa hàng treo biển hết xăng, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng và người dân.

Tình trạng này không chỉ diễn ra tại TP.HCM mà còn lan ra các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước hay khu vực Tây Nguyên, như Đắk Lắk..., thậm chí cả khu vực phía Bắc, chủ yếu là Hà Nội.

Nội dung này đã được Bộ trưởng Công Thương làm rõ tại các cuộc họp với lãnh đạo và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu những ngày qua.

Nhiều cửa hàng xăng dầu bất ngờ treo biển thông báo hết hàng.
Nhiều cửa hàng xăng dầu bất ngờ treo biển thông báo hết hàng.

Về vấn đề này, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, nguồn cung xăng dầu chưa bao giờ thiếu. Trung bình mỗi tháng, nguồn cung trong nước từ hai nhà máy lọc dầu trong nước cộng với kế hoạch phân giao cho 34 doanh nghiệp đầu khối phải nhập khẩu thì tổng chung có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu.

Thời điểm cuối quý III/2022, hàng dự trữ thương mại xăng dầu là 2,55 triệu m3, trong khi đó, năng lực sản xuất của hai nhà máy lọc hoá dầu Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm được 80% nguồn cung trong nước.

Với lượng dự trữ như trên, ông Diên khẳng định hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11.

“Về nguồn cung, như tôi đã báo cáo vài lần là chúng ta chưa bao giờ thiếu. Thời điểm này dư luận nói thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác”, Bộ trưởng Diên nói.

Nguồn cung xăng dầu trong nước chưa bao giờ thiếu. Thời điểm này dư luận nói thiếu nguồn cung là không chính xác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Vấn đề ở chỗ, nguồn hàng bán ra thị trường đến tay người tiêu dùng lại gặp vấn đề.

Lý do là, nguồn cung không thiếu nhưng giá cả diễn biến thất thường, nhiều doanh nghiệp phải nhập vào giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, mức chiết khấu bằng 0, khiến doanh nghiệp không mặn mà kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, hàng loạt chi phí đã lỗi thời, từ lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi… đều bất cập, lạc hậu. Chi phí bảo quản xăng dầu từ năm 2013 chỉ có 30 đồng/lít nhưng hiện đã tăng lên 800 đồng/lít.

Nói thêm lý do các cửa hàng đóng cửa tập trung chủ yếu ở phía Nam, người đứng đầu ngành Công Thương giải thích, khu vực phía Nam trước đây luôn có một lượng lớn đáng kể hàng xăng dầu trôi nổi, bao gồm cả xăng dầu lậu, xăng dầu giả. Tháng 8 vừa qua bắt được vụ sản xuất, buôn xăng dầu lậu hàng trăm triệu lít.

Có lượng xăng trôi nổi như vậy, nhiều người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như không quan tâm chuyện mua hàng của đầu mối một cách ổn định. Các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh khu vực này có nhiều nguồn, cùng lúc ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối; một số ký rồi lại không nhập, không mua trong thời gian dài nên doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.

"Hiện chúng tôi đang siết chặt xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống nhưng nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên khó khăn, chiết khấu thấp. Đang kiếm được nhiều tiền, giờ ít hơn, thậm chí lỗ thì không ai làm", ông lý giải.

Ngoài ra, ông Diên cho rằng, "cơn lốc" chứng khoán, bất động sản thời gian qua có tác động nhất định. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu tham gia đầu tư bất động sản, chứng khoán nên nguồn tiền bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp thì họ không có nguồn tiền nhập.

Về tín dụng, Bộ trưởng Công Thương cho biết, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối hay đại lý khi kinh doanh lĩnh vực này đều được ngân hàng mở một hạn mức để vay.

"Hạn mức này quy định từ trước khi giá xăng dầu trước chỉ 50-60 USD/thùng, nhưng giá hiện giờ tăng 2 lần, nhưng hạn mức tín dụng có hạn nên những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, không làm ngoài ngành cũng không có tiền để nhập hàng", ông nói.

Cần các địa phương vào cuộc

Bộ Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu ra thị trường và quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối.

Bộ trưởng Diên thừa nhận trách nhiệm của ngành Công Thương trong quản lý mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên ông cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ngoài Bộ Công Thương, hiện có 6 bộ ngành cùng quản lý.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ngoài Bộ Công Thương, hiện có 6 bộ ngành cùng quản lý.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

"Thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu... trong giá xăng dầu là Bộ Tài chính. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo lưu thông mặt hàng này. Quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ. Quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng và các địa phương cũng được giao trách nhiệm này", ông Diên nói.

Theo Bộ trưởng, đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép và quản lý trực tiếp, cho nên, trong việc phân phối thì ngoài việc quản lý kiểm soát, điều tiết doanh nghiệp đầu mối thì rất cần các địa phương vào cuộc kiểm soát và quản lý, xử lý. Có như vậy mới đồng bộ, hiệu quả.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục