Google vừa bắt đầu thử nghiệm hạn chế người dùng truy cập các trang tin tức của Australia, trong bối cảnh chính quyền Canberra thúc đẩy kế hoạch buộc các công ty công nghệ phải trả phí sử dụng nội dung tin tức của các công ty truyền thông địa phương.
Australia đã đưa ra dự thảo bộ quy tắc buộc 2 hãng công nghệ Google và Facebook phải đàm phán với các công ty truyền thông nước này về việc trả tiền sử dụng nội dung tin tức.
Nếu Google hay Facebook không đạt được thỏa thuận với các công ty truyền thông địa phương trong vòng 3 tháng, các bên sẽ đưa vấn đề ra một cơ quan trọng tài độc lập để ra quyết định cuối cùng trong vòng 45 ngày.
Theo bản dự thảo, hai "đại gia" công nghệ của Mỹ sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 10 triệu AUD (7 triệu USD) nếu không đối xử bình đẳng với các công ty truyền thông địa phương.
Bộ quy tắc “đầu tiên trên thế giới” này, dự kiến có hiệu lực trong năm nay, đã vấp phải sự phản đối mạnh của các công ty công nghệ.
Tờ Financial Review (Australia) cho biết Google đang chặn một số người tìm kiếm một vài trang tin thương mại lớn của nước này, trong đó có News Corp và Guardian của nước này. Theo đó, những đường dẫn cũ hoặc nội dung từ các trang khác hiển thị trên kết quả tìm kiếm.
Trong một thông báo, một người phát ngôn Google cho biết những thay đổi trên là một trong số hàng chục nghìn thử nghiệm mà công ty này đang tiến hành.
Người phát ngôn này nêu rõ: “Hiện chúng tôi đang chạy một vài thử nghiệm, trong đó mỗi thử nghiệm sẽ hướng đến 1% người dùng ứng dụng tìm kiếm trên Google tại Australia để đánh giá những tác động lẫn nhau giữa các hãng truyền thông và ứng dụng kiềm kiếm trên Google."
Theo người phát ngôn của Google, công ty này đã đem lại giá trị ước tính 218 triệu AUD (169 triệu USD) cho các chủ báo năm 2018 chỉ riêng việc giới thiệu nội dung giúp tăng lưu lượng truy cập vào các trang tin.
Dự kiến, Google sẽ dừng các thử nghiệm vào đầu tháng 2 tới.
Phản ứng về động thái trên, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg bày tỏ phản đối, cho rằng Google và Facebook không nên chặn người dùng Australia truy cập các trang tin trong nước.
Theo ông, các “đại gia” công nghệ nên trả số tiền “xứng đáng” cho những công ty truyền thông sản xuất nội dung gốc thay vì chặn những nội dung đó.