Oracle là "chủ mưu" đứng sau các vụ kiện chống độc quyền chống lại Google

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hãng phần mềm Oracle đã nỗ lực vận động hành lang để đưa các vụ kiện chống độc quyền chống lại Google ra toà, Bloomberg cho biết.
Oracle là "chủ mưu" đứng sau các vụ kiện chống độc quyền chống lại Google

Theo nguồn tin của Bloomberg, trong nhiều năm, Oracle đã "làm việc sau cánh gà" để thuyết phục các cơ quan quản lý "kìm hãm" các hoạt động kinh doanh nền tảng tìm kiếm và quảng cáo khổng lồ của Google. Chiến dịch vận động hành lang được âm thầm tiến hành tại hơn 30 bang của Mỹ, Liên minh châu Âu và Australia.

Hơn hai tháng trước, vào giữa tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện chống độc quyền với Google với cáo buộc công ty sử dụng sức ảnh hưởng với thị trường để chống lại các đối thủ.

Vụ kiện có sự tham gia của 11 bang tại Mỹ và quy mô lớn tương tự hai vụ kiện chống độc quyền nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử của Microsoft năm 1998 và AT&T năm 1974 từng khiến "đế chế" viễn thông, điện thoại di động của Bell System sụp đổ.

Đơn kiện khẳng định Google đã hành động bất hợp pháp để duy trì vị thế của mình trong lĩnh vực quảng cáo và dịch vụ tìm kiếm trên internet, đồng thời cho rằng, nếu không có sự can thiệp của tòa án, Google sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược chống lại sự cạnh tranh, làm giảm lựa chọn của người tiêu dùng và cản trở sự đổi mới.

Theo cáo buộc, hãng tìm kiếm số một thế giới đang chiếm tới hơn 90% thị phần dịch vụ tìm kiếm nói chung tại Mỹ và với riêng thiết bị di động là trên 95%.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr tuyên bố, các điều tra viên đã phát hiện Google không cạnh tranh về chất lượng kết quả tìm kiếm, mà thay vào đó, họ mua quyền xuất hiện mặc định công cụ của mình trên các thiết bị công nghệ. Đến giữa tháng 12, số bang đâm đơn kiện Google đã lên tới 38.

Theo Bloomberg, Ken Gluck, Phó chủ tịch của Oracle, tiết lộ, các quan chức ở hơn 10 bang đâm đơn kiện kiện Google đã nhận được một bản báo cáo, trong đó giải thích cách Google theo dõi thông tin cá nhân của người dùng.

Ken Gluck cũng cho hay, vào năm 2018, Tổng chưởng lý Arizona Mark Brnovich, khi đó đang điều tra các hoạt động bảo mật của Google, đã gửi cho ông một báo cáo dài 70 trang. Trong đó, cáo buộc Google đã "xây dựng đế chế" bằng cách kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của hàng triệu người Mỹ mà họ không hề hay biết.

Bloomberg đã có một bản sao của tài liệu này, trong đó mô tả cách Google theo dõi vị trí của người dùng điện thoại qua hệ điều hành Android.

Vào tháng 5 năm nay, Mark Brnovich cũng đã đệ đơn kiện Google ra tòa, cáo buộc hãng lừa dối người dùng, thu thập dữ liệu vị trí trái phép qua điện thoại, ngay cả khi chức năng theo dõi vị trí bị vô hiệu hóa.

Trong khi đó, Bloomblerg dẫn lời đại diện phát ngôn của Google José Castañeda chỉ trích chiến dịch vận động hành lang "mang tính chất gián điệp" của Oracle.

“Trong khi Oracle tự mô tả mình là nhà môi giới dữ liệu lớn nhất trên hành tinh, chúng tôi tập trung vào việc giữ an toàn cho thông tin của người tiêu dùng", đại diện Google tuyên bố.

Xung đột giữa Oracle và Google

Cuộc tranh chấp giữa Oracle và Google bắt đầu vào năm 2010. Oracle đâm đơn kiện và cáo buộc Google sao chép một phần giao diện lập trình (API) của nền tảng Java để phát triển hệ điều hành Android. Java đã được Oracle tiếp quản vào năm đó thông qua việc mua lại Sun Microsystems.

Google đã bác bỏ cáo buộc trên, chỉ ra rằng chỉ 11.500 dòng code trong số hàng triệu dòng được dùng để viết nên Android có liên quan tới sản phẩm của Oracle. Trận chiến này đã kéo dài hơn 10 năm và số tiền Oracle đòi bồi thường là 9 tỷ USD.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập niên qua giữa hai "gã khổng lồ" ở thung lũng Silicon đã được chuyển lên Tòa án Tối cao Mỹ ngày 7/10/2020. Sự phức tạp của các dòng lệnh lập trình cùng với số lượng câu hỏi lớn của các thẩm phấn khiến số phận của vụ kiện trở nên khó lường.

Quỳnh Lê
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục