Các nhà phân tích hàng hóa của Goldman Sachs cho biết, giá dầu Brent có thể giảm xuống mức 60 USD/thùng vào cuối năm 2026 nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện các đề xuất về thuế quan mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử hoặc nếu OPEC+ tăng sản lượng trong năm tới.
Dự báo này đánh dấu mức giảm 20% so với giá hiện tại và giảm khoảng 25% so với mức giá trung bình của năm nay là khoảng 80 USD/thùng. Giá dầu đã giảm giá trong năm nay trong bối cảnh nguồn cung tăng và nhu cầu tăng trưởng chậm lại.
Các nhà phân tích cho biết, rủi ro giá trung hạn "có xu hướng giảm do công suất dự phòng cao và do thuế quan rộng có thể gây tổn hại đến nhu cầu". Dự báo được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đề xuất áp thuế 10-20% đối với tất cả các quốc gia và thuế quan 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Các tổ chức khác cũng đã cảnh báo về rủi ro giá dầu giảm do thuế quan. Tuần trước, chiến lược gia Francisco Blanch của Bank of America cho biết, mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất có thể sẽ hạn chế thương mại toàn cầu và gây ra một cuộc chiến thương mại, làm giảm nhu cầu và giá cả.
"Nước Mỹ trên hết có nghĩa là hàng hóa đứng thứ hai", ông nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, việc chính quyền Trump mềm mỏng hơn trong việc quản lý và lập trường ủng hộ nhiên liệu hóa thạch cũng đe dọa sẽ thúc đẩy nguồn cung thông qua sản lượng cao hơn, gây ra rủi ro giảm giá hơn nữa.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ hạ giá năng lượng bằng cách tăng sản lượng dầu. Sản lượng dầu của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục với đạt 13,4 triệu thùng/ngày vào tháng 8.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết có một số mặt tích cực trong ngắn hạn.
Daan Struyven, nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 83 USD/thùng vào giữa năm 2025 nếu nguồn cung dầu của Iran giảm trong bối cảnh thực thi lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn. Giá dầu sau đó có thể sẽ bình thường hóa ở mức trung bình 76 USD/thùng trong cả năm trong bối cảnh thặng dư khiêm tốn.
"Mức tăng giá khiêm tốn này phản ánh dự báo của chúng tôi rằng giá tăng từ sự đảo ngược trong định giá thấp và từ việc tái dự trữ chiến lược ở Mỹ và Trung Quốc sẽ vượt trội hơn lực cản từ thặng dư khiêm tốn", các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết.
Bên cạnh đó, sự gia tăng nhu cầu toàn cầu vào năm tới đã chững lại trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, đặc biệt Trung Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích gần đây của chính phủ nước này dự kiến sẽ giúp cải thiện tâm lý người tiêu dùng.
Mặt khác, các nhà dự báo khác đã cảnh báo về một khoản thặng dư lớn hơn vào năm tới. Trong một báo cáo trong tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, thị trường dầu mỏ có thể chứng kiến thặng dư 1 triệu thùng/ngày vào năm tới, do nhu cầu thấp từ Trung Quốc và sản lượng tăng từ các quốc gia ngoài OPEC.