HSBC: ASEAN sẽ vượt qua Nhật Bản về quy mô kinh tế vào năm 2029

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo “ASEAN Perspectives - Rộng lớn hơn, chất lượng hơn và còn nhiều điều đang chờ ở phía trước” trong đó nhấn mạnh thị phần toàn cầu của khu vực này đang gia tăng trong nhiều lĩnh vực, từ hàng hóa đến dịch vụ tài sản tinh gọn đến du lịch
HSBC: ASEAN sẽ vượt qua Nhật Bản về quy mô kinh tế vào năm 2029

Nhâm nhi một ly cocktail bên bờ biển ngắm hoàng hôn buông xuống? Nếm món mỳ cay xè từ quán nhỏ trên hè phố? Hoặc có lẽ thử một thứ gì đó cảm giác mạnh như ăn tất cả các món chế biến từ sầu riêng. ASEAN sở hữu vẻ đẹp tự nhiên phong phú và văn hóa đa dạng giúp khu vực này trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất trên thế giới. Và tất nhiên điều đó sẽ không trở thành hiện thực nếu thiếu cơ sở hạ tầng tốt.

Sải cánh vươn cao từ năm 2006

Sân bay Changi ở Singapore bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 1981 và là dự án hàng không quy mô lớn nổi tiếng nhất trong khu vực thời bấy giờ. Sau này, thị phần khách du lịch quốc tế toàn cầu của ASEAN đã tăng vọt sau hai mốc phát triển quan trọng năm 2006: Sân bay Suvarnabhumi ở Thái Lan mở cửa khai thác thương mại, hiện là sân bay lớn thứ 10 xét về diện tích đất (theo World Population Review, 2024); và Sự kiện ký kết Hiệp định khung ASEAN về miễn thị thực, cho phép đi lại không cần visa giữa các nước ASEAN. Từ 2007 đến 2019, tổng lượt khách du lịch đến ASEAN-6 đã tăng bình quân 7,1% mỗi năm và thị phần du lịch toàn cầu của ASEAN tăng từ 4,9% lên 8,7%

Báo cáo của HSBC cho biết, thị phần lượt khách du lịch của ASEAN sụt giảm trong đại dịch và cả sau đó do du khách Trung Quốc chưa trở lại hoàn toàn. Giải pháp khởi động giai đoạn phục hồi là mở rộng cơ chế miễn thị thực với các quốc gia bên ngoài ASEAN. Malaysia, Thái Lan và Singapore đã dẫn đầu trong năm 2023-2024 bằng việc cho phép công dân Trung Quốc nhập cảnh không cần visa và các nước khác cũng bắt đầu triển khai tương tự, cho phép công dân các nước khác không chỉ Trung Quốc cũng được nhập cảnh miễn visa. Bảng 2 cho thấy những thay đổi trong chính sách về thị thực của từng nền kinh tế ASEAN kể từ đại dịch.

Giá trị cộng thêm

Trở ngại lớn nhất đối với ASEAN, theo HSBC chính là làm sao để gia tăng giá trị cộng thêm cho du lịch. Các lựa chọn bao gồm đầu tư vào du lịch xa xỉ, mở rộng nền ẩm thực hoặc tổ chức các sự kiện siêu lớn và chương trình biểu diễn âm nhạc. Thị phần doanh thu du lịch toàn cầu của ASEAN cũng tăng trong giai đoạn từ 2007 đến 2019. Tuy nhiên, nếu so sánh thị phần lượt khách toàn cầu và thị phần doanh thu du lịch toàn cầu của ASEAN, cả hai chỉ số đều tăng với tốc độ như nhau.

Điều này có thể được hiểu là doanh thu du lịch tăng lên chủ yếu là nhờ tăng lượng khách du lịch chứ không phải tăng chi tiêu tính trên đầu người. Để tạo dấu ấn trên trường quốc tế, ASEAN sẽ cần cung cấp nhiều loại hình hoạt động du lịch hơn như điểm đến mới, sự kiện du lịch kết hợp MICE (meetings – họp hành, incentives – khen thưởng, conferences – hội thảo, exhibitions – triển lãm) và các dịch vụ xa xỉ.

Báo cáo nhận định, trong khu vực, Singapore và Thái Lan gặt hái nhiều thành công nhất trong việc vươn lên trong chuỗi giá trị. Singapore đã tổ chức chặng đua Grand Prix Singapore từ năm 2008 và mới đây đã đăng cai chuỗi siêu concert của Taylor Swift. Trong khi đó, Thái Lan thì đầu tư vào các khách sạn xa xỉ, khiến doanh thu du lịch tăng nhanh hơn số lượt khách du lịch.

Singapore và Thái Lan thậm chí còn ghi dấu ấn trong làng coctail thế giới, sở hữu sáu trong số top 50 quán bar của thế giới theo 50 Best. Mỹ cũng mới chỉ có năm quán bar nằm trong danh sách này.

Từ Bali ở Indonesia và Koh Samui ở Thái Lan đến El Nido của Philippines và Langkawi của Malaysia, các hòn đảo du lịch xa xỉ đang là một chiến lược phổ biến khắp ASEAN. Hãy xếp hành lý và đặt vé máy bay đi thôi. ASEAN đang chờ đón bạn với vòng tay giang rộng.

Dịch vụ “tài sản tinh gọn”

Dịch vụ “tài sản tinh gọn”, theo HSBC, là xuất khẩu dịch vụ không đòi hỏi nhiều vốn hữu hình như máy bay trong du lịch hay thuê tàu trong vận chuyển hàng hóa. Trong hầu hết trường hợp, các dịch vụ này được thực hiện trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, tài chính hoặc nghệ thuật, chẳng hạn như thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO - business process outsourcing), tài chính, điện ảnh, tư vấn và những thứ tương tự. Trong tất cả các mảng này, ASEAN đều đang vươn lên trên trường quốc tế.

Trong lĩnh vực này, Báo cáo nhận định, Singapore đang hoàn toàn dẫn đầu. Năm 1968, Singapore nhận thức được rằng họ có thể tận dụng vị trí múi giờ của nước mình để biến khung giờ giao dịch toàn cầu trở thành hoạt động không ngừng nghỉ suốt 24 giờ (theo NUS, 2017). Sau một loạt cải cách, Singapore đã trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Quốc gia này hiện sở hữu một ngành quản lý tài sản nở rộ nắm giữ 4,1 nghìn tỷ USD (theo MAS, 2024) - lớn hơn cả quy mô 3,7 nghìn tỷ của nền kinh tế ASEAN-6. Tổng doanh thu xuất khẩu của Singapore từ việc cung cấp dịch vụ tài chính cho thế giới trong năm 2023 đạt 2,6 tỷ USD.

Kể từ năm 2000 trở đi, các nước ASEAN đang phát triển cũng bắt đầu đi theo xu hướng, dẫn đầu là Philippines. Quốc gia này đã tận dụng nguồn nhân lực có tay nghề, trẻ trung và nói được tiếng Anh để cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cho cả thế giới. Philippines đã phát triển ngành BPO lớn mạnh đủ để đối đầu với Ấn Độ. Doanh thu từ dịch vụ tài sản tinh gọn của nước này đã nhiều tương đương lượng kiều hối từ lao động người Philippines ở nước ngoài, một dấu hiệu cho thấy quần đảo này cũng đang vươn lên trong chuỗi giá trị.

Theo HSBC, tính gộp chung lại, thị phần dịch vụ tài sản tinh gọn toàn cầu của ASEAN đã gần như gấp đôi, từ 3,2% vào năm 2005 lên 6% ở thời điểm hiện tại. Con số này cao hơn thị phần của Ấn Độ hoặc Trung Quốc đại lục vốn cũng chứng kiến thị phần dịch vụ tài sản tinh gọn gia tăng với quy mô lớn mạnh của hai quốc gia này.

Với thị phần dịch vụ tài sản tinh gọn gia tăng, các chuyên gia của HSBC cho rằng ASEAN, cũng giống như Ấn Độ, đang ở vị thế có khả năng đón đầu làn sóng xuất khẩu dịch vụ toàn cầu.

Lớn hơn, tốt hơn nhưng ít hơn

ASEAN, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới vào năm 2005, đã vươn lên vị trí thứ 5 vào năm 2023. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, khu vực này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức bình quân 4,7% trong giai đoạn 2024-2029, khiến ASEAN trở thành khối kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ở châu Á, tăng trưởng của ASEAN chỉ đi sau Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Philippines, nhờ đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi, là những động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng này, với mức tăng nhu cầu lớn nhất ở hai nền kinh tế này.

Với tốc độ này, Báo cáo cho rằng, ASEAN sẽ vượt qua Nhật Bản về quy mô kinh tế vào năm 2029. Trong khi mức độ tăng trưởng sâu rộng của ASEAN là điều không cần bàn cãi, một yếu tố khác khiến khu vực này thậm chí còn ấn tượng hơn.

Tỷ trọng của ASEAN trong dân số thế giới đạt đỉnh vào năm 2012 ở mức 8,59% và bắt đầu giảm dần sau đó. Trong giai đoạn từ 2024 đến 2035, con số này được dự báo sẽ giảm từ 8,5% xuống 8,33%. Nếu thị phần ngày càng gia tăng của ASEAN trên thế giới không phải do nhân khẩu học thúc đẩy, vậy thì đâu mới là động lực?

“Năng suất, hiệu quả, sáng tạo. Cũng với tỷ lệ dân số tương đương, ASEAN cho ra lò hàng hóa và dịch vụ có giá trị cộng thêm nhiều hơn trước đây. Từ hàng công nghệ cao đến dịch vụ phức tạp và phục vụ thị trường ngách, ASEAN không ngại đổi mới, sáng tạo và sản xuất thêm giá trị”, Báo cáo nhận định.

Đáng chú ý, thứ hạng của mỗi nền kinh tế ASEAN trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2014 và 2024. Ngoại trừ Malaysia, tất cả các nền kinh tế ASEAN đều có thứ hạng cải thiện đáng kể, trong đó, Singapore là nền kinh tế có mức độ đổi mới, sáng tạo cao thứ tư thế giới. Kết quả này cũng được phản ánh trong thị phần hàng sản xuất công nghệ cao toàn cầu.

Không chỉ một lượng lớn hàng công nghệ cao được sản xuất tại Trung Quốc và ASEAN mà hai nền kinh tế này còn vượt xa những quốc gia đang phát triển khác trong việc mở rộng thêm hoạt động sản xuất. Biểu đồ 16 cho thấy Trung Quốc và ASEAN chiếm một thị phần lớn từ các nền kinh tế đang phát triển trong vòng một thập kỷ qua.

Các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh: “ASEAN đã cho thấy khu vực này quyết tâm đổi mới sáng tạo, hấp thu công nghệ hiện đại và bí quyết công nghệ để giúp các doanh nghiệp mài sắc vũ khí trong khi tìm kiếm thị trường lớn hơn để tiêu thụ. Chính bởi lẽ đó chúng tôi tin rằng ASEAN, với cốt lõi là thương mại tự do nội khối, sẽ vẫn bền bỉ, kiên cường, tiếp tục tăng trưởng về quy mô và tầm ảnh hưởng”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục