Goldman Sachs: Đồng là "dầu mới" khi thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Goldman Sachs, đồng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khử cacbon và thay thế dầu bằng các nguồn năng lượng tái tạo.
Goldman Sachs: Đồng là "dầu mới" khi thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch

Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo hôm thứ Ba (13/4) rằng, thị trường đồng hiện tại đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung và điều này có thể khiến giá đồng tăng hơn 60% trong vòng 4 năm tới.

Goldman Sachs cho biết, nhu cầu đồng gia tăng và nguồn cung thấp có khả năng sẽ đẩy giá đồng đang từ mức hiện tại khoảng 9.000 USD/tấn lên 15.000 USD/tấn vào năm 2025.

Đồng là một kim loại hiệu quả về chi phí và rất quan trọng trong quá trình tạo ra, lưu trữ và phân phối năng lượng sạch từ gió, mặt trời và các nguồn địa nhiệt vì nó có các thuộc tính vật lý cần thiết, nhóm phân tích của Goldman cho biết trong một báo cáo có tiêu đề "Đồng là dầu mới".

Báo cáo cho biết: “Các cuộc thảo luận về nhu cầu dầu cao điểm cho thấy thực tế là nếu không có sự gia tăng trong việc sử dụng đồng và các kim loại quan trọng khác, thì việc đồng thay thế dầu trong việc sản xuất năng lượng tái tạo sẽ không xảy ra”.

Mặc dù đồng sẽ cần thiết để tạo ra các hệ thống cơ sở hạ tầng mới cho năng lượng sạch để thay thế dầu và khí đốt, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có nhiều mối quan tâm nhiều cho việc này.

Theo ước tính của Goldman Sachs, nhu cầu đồng sẽ tăng đáng kể với mức tăng tới 900% lên 8,7 triệu tấn vào năm 2030 nếu các công nghệ xanh được áp dụng hàng loạt. Nếu quá trình này diễn ra chậm hơn, nhu cầu đồng sẽ vẫn tăng lên 5,4 triệu tấn, tương đương gần 600%.

Đồng là một phần quan trọng của các công nghệ bền vững như pin xe điện và tạo ra năng lượng sạch. Khi thời hạn của Thỏa thuận Paris đến gần, các thúc đẩy chính trị và kinh tế đối với năng lượng tái tạo và công nghệ xanh ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD nhằm mục tiêu khuyến khích các dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ bền vững mới.

Tuy nhiên, nhu cầu đồng hiện tại vẫn chưa có sự gia tăng. Giá đồng đã tăng khoảng 80% trong 12 tháng qua nhưng không có sự gia tăng tương ứng về mặt sản lượng.

Bên cạnh đó, việc mở rộng các mỏ và tạo ra các lĩnh vực sản xuất đồng mới sẽ mất nhiều năm, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt kim loại này. Goldman cho biết, để ngăn chặn sự cạn kiệt nguồn cung đồng trong vòng 2 năm thì giá phải tăng để khuyến khích đầu tư và mở rộng sản lượng.

Theo các nhà phân tích hàng hóa S&P Global, sản lượng đồng sụt giảm vào năm 2020 do các hạn chế của chính phủ và các đợt đóng cửa trong đại dịch Covid-19. Các nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới ở Chile và Peru đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi đại dịch và điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cho đến năm 2023. Tuần trước, giá đồng tăng đột biến sau khi Chile đóng cửa biên giới do liên quan đến đại dịch.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của GlobalData được công bố vào tháng 2, sản lượng đồng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 5,6% vào năm 2021 sau khi giảm 2,6% vào năm 2020.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục