Gói thầu thủy tinh thể nhân tạo Bệnh viện Mắt TP.HCM: Nhà thầu tiếp tục “tố”

Sau bài viết về công tác lựa chọn nhà thầu tại gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu do Bệnh viện Mắt TP.HCM thực hiện, Báo Đầu tư tiếp tục nhận thêm phản ánh từ phía các nhà thầu khác những nghi vấn tại cuộc thầu này.
Bệnh viện Mắt TP.HCM đối mặt với những cáo buộc khi chấm thầu gói mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu. Bệnh viện Mắt TP.HCM đối mặt với những cáo buộc khi chấm thầu gói mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu.

“Tố” thêm nhiều sai sót 

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư vào giữa tuần trước, đại diện nhà thầu P (yêu cầu giấu tên) - doanh nghiệp tiên phong đặt nền móng và đưa ngành tuỷ tinh thể nhân tạo vào Việt Nam suốt 20 năm qua chia sẻ bức xúc:

“Bệnh viện Mắt loại chúng tôi dựa trên yếu tố đánh giá trên hàng mẫu, nhưng việc đánh giá hàng mẫu lại không dựa vào những căn cứ khoa học, thực tiễn, mà lại bằng cảm tính với hình thức biểu quyết của thành viên Hội đồng thầu”.

Nhà thầu P cho biết thêm, Hội đồng thầu đánh giá sản phẩm của chúng tôi “dày, dễ đứt dây chằng zinn”, nhưng trong  thực tế, nhà thầu P đã cung cấp hàng ngàn thủy tinh thể loại này cho bệnh nhân, mà chưa ghi nhận bệnh nhân nào đứt dây chằng như vậy. 

Theo hồ sơ thầu, nhà thầu P tham gia đấu thầu ở 3 phần/lô là 19, 22 và 24. Sau khi chấm thầu, Tổ chuyên gia đánh giá không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật do “hợp chất Copolymer, gồm hỗn hợp Arcrylate với bề mặt kỵ nước, không giống với chất liệu của hồ sơ mời thầu yêu cầu” (phần thầu 19, 24); “IOL dày khó đặt qua miệng xé bao  lớn hơn hoặc bằng 5 mm, dễ đứt dây zinn khi đặt trong trường hợp zinn yếu” (phần/lô thầu 22).

Trong văn bản kiến nghị gửi Bệnh viện Mắt TP.HCM, nhà thầu P cho rằng, tại thị trường Việt Nam có nhiều loại chất liệu thuỷ tinh thể nhân tạo, nhưng chỉ vài hãng có chất liệu Acrylate ngậm nước 25% với bề mặt kỵ nước, trong đó có sản phẩm của Zeiss và Oculentis.

Về phương diện hoá học, Acrylic là các Polyme tổng hợp của Methyl Methacrylate. Vì vậy, nhà thầu P khẳng định, sản phẩm họ đề xuất đúng như chất liệu hồ sơ mời thầu yêu cầu.

“Trong số 10.000 sản phẩm LS-313Y (sản phẩm do nhà thầu P chào thầu – PV) được sử dụng các bệnh viện mắt trên toàn quốc, cho tới nay chưa từng ghi nhận bất kỳ sự nhận xét chuyên môn nào về lý do IOL dày khó đặt qua miệng xé bao lớn hơn hoặc bằng 5 mm, dễ đứt dây zinn”, văn bản kiến nghị của nhà thầu P nêu.

Điều bất thường là, với cùng chất liệu như vậy, nhưng sản phẩm của nhà thầu Công ty TNHH Thương mại Tâm Hợp do nhà thầu Tâm hợp đề xuất lại… được chấp thuận. 

Vào cuối tuần trước, nhà thầu X trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Đầu tư rằng, họ sau khi lọt vào vòng tài chính ở các phần/lô 9, 12, 16, 17, nhưng bị đánh trượt thầu vì “giá đề xuất cao hơn giá kế hoạch của phần dự thầu”. Nhà thầu X cho rằng, không rõ cơ sở để Bệnh viện Mắt xây dựng giá kế hoạch, khi giá kế hoạch do Bệnh viện đưa ra rất thấp.

“Các gói thầu gần đây trên cả nước thường công bố công khai giá kế hoạch kèm giá trị bảo lãnh dự thầu cho từng phần thầu để các nhà thầu có chiến lược chào giá hợp lý, nhưng trong cuộc đấu thầu này, Bệnh viện Mắt TP.HCM không công khai giá kế hoạch, khiến các nhà thầu chào giá như… đánh xổ số! Nếu chúng tôi biết trước giá kế hoạch thấp như vậy sẽ không tham gia đấu thầu gói này để tốn thời gian, tiền bạc và tốn cơ hội”, nhà thầu X nói.

Cuộc thầu đứng trước nguy cơ rơi vào bế tắc

Không chỉ “tố” thêm những sai sót nêu trên, nhà thầu C (Báo Đầu tư đã dẫn ý kiến của nhà thầu này trong 2 bài viết trước) phát giác thêm việc Bệnh viện Mắt TP.HCM đã có chủ trường “định hướng” tại cuộc thầu này.

Cụ thể, với việc hồ sơ mời thầu định sẵn các tiêu chí cho các phần/lô thầu 4, 5, 15, với sản phẩm thủy tinh thể loại Tecnis one và Sensar one (Hãng Amo - Hà Lan sản xuất) và các tiêu chí hợp đồng tương tự “trùng khớp một cách rất ngẫu nhiên” với thông tin sẵn có của nhà thầu Bách Quang.

Theo phân tích của các ứng thầu, chỉ cần với yêu cầu về tính chất, quy mô các phần thầu này, thì sản phẩm của hãng khác (do nhà thầu khác chào sẽ không thể dự thầu).

Điều quan ngại hơn là, chủ của hai nhà thầu Công ty TNHH Thương mại Bách Quang và Công ty TNHH Hồng Lộc là anh em trong một gia đình và là nhà phân phối sản phẩm thuỷ tinh thể cho hãng Amo, nhà thầu C cho biết.

Do vậy, cuộc đấu ở các phần thầu 4, 5, 15 đã trở thành “câu chuyện trong nhà” của 2 nhà thầu trên và triệt tiêu tính cạnh tranh trong cuộc thầu. 

Một lãnh đạo của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho phóng viên Báo Đầu tư biết, cơ quan này đang yêu cầu Bệnh viện Mắt cung cấp hồ sơ đấu thầu gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu để rà soát toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, việc rà soát hồ sơ đang gặp trở ngại, do lãnh đạo cao nhất của Bệnh viện Mắt TP.HCM đang “đi công tác dài ngày”.

Vì vậy, khả năng cuộc thầu này đi vào ngõ cụt, bởi với quy định hiện hành trong chi trả bảo hiểm, hợp đồng được Bệnh viện Mắt TP.HCM ký với các nhà thầu trúng thầu chỉ có hiệu lực khi được Bảo hiểm xã hội TP.HCM chấp thuận. 

Trước đó, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã có văn bản khẳng định, cơ quan này sẽ rà soát và so sánh giá trúng thầu trên cả nước, nếu xuất hiện sai sót, hoặc giá thầu cao bất hợp lý, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM sẽ không chấp thuận thanh toán.

Những sai sót mới được các nhà thầu vạch ra, cùng với hàng loạt bất cập đã được phản ánh trước đó như đánh giá hồ sơ dự thầu không căn cứ theo hồ sơ mời thầu; không công khai tiêu chí đánh giá hàng mẫu; xây dựng giá kế hoạch thiếu cơ sở thực tế; giá trúng thầu một số mã cao bất thường, chia nhỏ gói thầu… đang phủ bóng đen u ám lên cục diện cuộc thầu này.

Ngọc Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục